Em bé napalm và hành trình trở thành đại sứ thiện chí UNESCO

04/09/2023 09:59 GMT+7

Đến nay, đã 51 năm từ khi Phan Thị Kim Phúc (quê gốc Trảng Bàng, Tây Ninh) lọt vào bức ảnh lịch sử "Napalm girl" nổi tiếng thế giới. Sau nhiều năm, bà đã có cuộc hội ngộ lần đầu tiên với nhiếp ảnh gia Nick Út (tên thật Huỳnh Công Út, người Mỹ gốc Việt) tại Việt Nam.

Từ ngày trở thành nhân vật chính trong bức ảnh ấy, cuộc sống của "em bé napalm" Kim Phúc trải qua nhiều biến cố. Bà đã đi từ hoảng sợ, đau đớn, trốn chạy và cuối cùng là đối mặt với nỗi đau chiến tranh. 

Trong lần trở về Việt Nam, Kim Phúc chia sẻ với chúng tôi những khó khăn đã đi qua. Hiện tại, bà dùng chính vết thương trên cơ thể của mình làm bằng chứng nói về sự tàn khốc của chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ là đại sứ thiện chí của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ).

Em bé napalm và hành trình trở thành đại sứ thiện chí UNESCO  - Ảnh 1.

“Em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc cùng các em học sinh tại buổi lễ khánh thành thư viện Trường tiểu học Đức Tân (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) tháng 2.2023

Lam Ngọc

VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI TỘT CÙNG

Tháng 11.2022, Kim Phúc từ Canada bay thẳng về Việt Nam nhân một sự kiện diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện này có sự tham gia của cả nhiếp ảnh gia Nick Út. Họ cùng về lại ngã ba Trảng Bàng (Tây Ninh), nơi năm 1972 là chiến trường ác liệt và cũng là nơi gắn chặt số phận của Kim Phúc với bức ảnh nổi tiếng "Napalm girl".

Lần trở về này, Kim Phúc không còn là cô bé nhút nhát chạy trốn quá khứ đau buồn của nhiều năm về trước mà bà đã bình an hơn trong vai trò đại sứ của UNESCO. Gặp gỡ bạn bè ở TP.HCM, Kim Phúc chọn một bộ váy hoa nhã nhặn; cả buổi, bà luôn giữ nụ cười tươi tắn, bình an. Ngay cả khi khơi lại cảm giác đau đớn năm xưa, Kim Phúc cũng không còn biểu cảm sợ hãi.

Bà hồi tưởng: "Khi bom napalm dội xuống, quần áo bốc cháy, tôi cảm thấy hơi nóng thiêu đốt da thịt. Tôi xé toạc bộ quần áo đang mặc trên người. Lửa cháy hết cánh tay trái, lấy tay phải định phủi đi nhưng lửa lan qua, cháy cả tay phải. Vạt áo lột tới đâu, da tay tôi cũng lột ra tới đó. Tôi đã cố gắng vùng vẫy chạy thoát khỏi làn bom".

Đoạn ký ức này đã đeo bám nhiều năm và mang lại cho bà biết bao muộn phiền. "Ngay cả Tổng thống nước Mỹ giai đoạn đó là Richard Nixon cũng từng nói bức ảnh chú Nick Út chụp tôi là ngụy tạo. Họ cho rằng tấm hình chụp tôi chạy trong làn bom cố ý được tạo ra nhằm một mục đích nào đó. Cay đắng hơn, có nhiều người không thể tin một con bé 9 tuổi từng là nạn nhân trực tiếp bị bom napalm tàn phá mà còn sống. Họ từng dựng lên câu chuyện rằng mẹ tôi bắt tay với nhiếp ảnh gia để ngụy tạo tấm hình. Họ nói mẹ tôi được trả 150 USD để đổ xăng lên người con gái mình và cho phép người nhiếp ảnh chụp hình tôi", bà Kim Phúc nhớ lại.

Suốt nhiều năm Kim Phúc cố gắng chạy trốn quá khứ, bà không muốn thừa nhận mình là cô bé trong bức ảnh. Cho tới khi Kim Phúc sinh đứa con đầu tiên, ôm con trong lòng, nhìn con, bà nghĩ: "Không thể để con mình và những đứa trẻ trên thế giới phải chịu cảnh như em bé trong tấm hình đó nữa". Từ đó, Kim Phúc bắt đầu hành trình mới trở thành đại sứ thiện chí của UNESCO.

Tạo cơn địa chấn phản chiến

Ngày 8.6.1972, bức ảnh "Napalm girl" (Em bé napalm) được chụp, ngay ngày hôm sau, hầu hết trang nhất những tờ báo lớn của Mỹ, Nhật Bản và một số nước đều đăng bức ảnh này.

Bức ảnh tạo ra ấn tượng quá lớn và được báo chí Mỹ coi là một "cơn địa chấn" lịch sử, góp phần tố cáo sự thật cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo của bom đạn Mỹ lên sinh mệnh của những thường dân Việt Nam vô tội.

Và ngay lập tức, bức ảnh đã làm chấn động những trái tim yêu hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra ở Việt Nam, góp phần làm dâng cao hơn làn sóng phản đối của dân chúng các nước.

Lập quỹ giúp đỡ trẻ em là nạn nhân chiến tranh

Ở tuổi 59, Kim Phúc đã thanh thản hơn với nỗi đau năm xưa. Vết sẹo bỏng ngày nào, trải qua nhiều lần điều trị bằng laser đã trở nên sáng màu hơn. Tuy nhiên, nếp da nhăn, mất tính đàn hồi vẫn lên cơn đau mỗi khi thời tiết thay đổi luôn nhắc nhớ bà từng là nạn nhân của cuộc chiến khốc liệt.

Điều kỳ diệu là từ khi có con, Kim Phúc suy nghĩ tích cực hơn và cũng có cảm nhận mềm mại hơn. Đến năm 1997, bà có sự chuyển biến lớn trong suy nghĩ và đã thành lập quỹ Kim - một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Canada để tìm cách giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân chiến tranh. Bà bày tỏ: "Tôi không bao giờ quên hàng ngàn trẻ em ngây thơ không được chụp ảnh như tôi và không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào".

Giờ đây, với vai trò đại sứ thiện chí UNESCO, Kim Phúc có thể đi khắp thế giới, gặp gỡ và nói về những nỗi kinh hoàng mà bà chính là nạn nhân đang mang trên mình vết thương do sự tàn khốc của chiến tranh để lại.

Lần này trở lại Việt Nam, cảm xúc đậm nhất và rõ nhất của bà là sự thanh thản. Bà đã thật sự buông bỏ quá khứ, chấp nhận nỗi đau. Bà giãi bày: "Gặp lại chú Út, có những dĩ vãng rất buồn, khiến Kim Phúc nhớ lại chiến tranh. Nhưng bây giờ, về lại nơi bỏ bom, nơi ghi lại những chứng tích nhưng tôi không còn sống trong nỗi buồn đó nữa mà hướng tới hiện tại và tương lai".

Hơn 50 năm sau, đứng ở ngã ba Trảng Bàng một thời khốc liệt với tâm thế của một sứ giả hòa bình, Kim Phúc bày tỏ: "Ước mơ của tôi là không bao giờ muốn có chiến tranh xảy ra trên đất nước của mình và tất cả các nơi trên thế giới. Bây giờ tôi hiểu được sự mất mát từ chiến tranh không thể đương đầu mãi bằng sự hận thù. Tôi mong muốn mỗi người đều nuôi cho mình một sự hy vọng, như tôi đã từng hy vọng mình sẽ sống một cuộc đời ý nghĩa và hiện tại tôi đang sống như thế".

Em bé napalm và hành trình trở thành đại sứ thiện chí UNESCO  - Ảnh 3.

“Em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc bây giờ

HỌC CÁCH THA THỨ

Kim Phúc cho biết bà đã học cách tha thứ từ hơn 20 năm trước cho những người đã bỏ bom và gây tội ác với bà trong thời chiến tranh. Trong lễ kỷ niệm "Ngày cựu chiến binh" ở Đài kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C năm 1996, bà đã trực tiếp nói lời tha thứ cho một cựu chiến binh, người đã ra lệnh ném bom Trảng Bàng: "Cô bé gào khóc vì nóng, vì hoảng sợ trước làn bom napalm là tôi. Và tôi tha thứ cho tất cả!". Cũng từ đây, Kim Phúc đi khắp thế giới để nói về hòa bình, phản đối chiến tranh.

Trải qua 17 lần phẫu thuật và 11 lần điều trị bằng laser, Kim Phúc cũng đã thay đổi cuộc đời mình bằng những tư tưởng mới. Bà tâm tình: "Giờ đây tôi đã có tự do và tôi có thể bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới bằng vai trò đại sứ thiện chí của UNESCO. Tôi muốn ôm bức ảnh "Napalm girl" vào lòng và coi nó như một món quà mà chú Út và cuộc đời trao tặng. Nhờ hiểu được nó mà cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn".

"50 năm qua, như một phép lạ là tôi còn sống! Sự sống của tôi là điều kỳ diệu trong cái tàn khốc. Và đó là một trong những lý do thôi thúc tôi trở thành sứ giả hòa bình", Kim Phúc chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.