Êm đềm cảnh sắc phố thị Sài Gòn

01/02/2020 07:00 GMT+7

Tập sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Phương Nam Book và NXB Thế giới ấn hành) gồm những bức tranh và ký họa mà họa sĩ Phạm Công Tâm vẽ với mong muốn lưu lại “hồn cốt” nơi ông đã sống hơn 60 năm qua.

Phạm Công Tâm cùng gia đình ông cư ngụ ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) từ khi ông mới chào đời. Đó là nơi lưu giữ rất nhiều ký ức tuổi thơ của ông. Khi ông trưởng thành, hiểu biết về Sài Gòn cũng được mở rộng hơn theo những hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, có lẽ chỉ đến khi qua tuổi 60, khi rong ruổi Sài Gòn để vẽ tranh về nơi mình đang sống, ông mới thực sự “tái khám phá” Sài Gòn và có những cảm nhận sâu sắc hơn về thành phố này.

Người ta vẽ gì khi vẽ Sài Gòn? Tôi đã tự hỏi như thế khi cầm trên tay tập sách của Phạm Công Tâm. Với một đô thị quá rộng lớn, quá đa dạng, trải qua nhiều biến động lịch sử và có nhiều di sản như Sài Gòn, việc “gom” những bức tranh với chủ đề cảnh sắc phố thị của nó vào một tập sách dường như bất khả.

Phố thuốc bắc Triệu Quang Phục

Phố thuốc bắc Triệu Quang Phục

Thế nhưng, Phạm Công Tâm có cách lựa chọn riêng của ông. Đó là vẽ những gì ông cho là những giá trị làm nên nét đặc trưng riêng biệt, không lẫn vào đâu được của Sài Gòn. “Hình ảnh Sài Gòn hay Gia Định, Chợ Lớn ngày xưa đọng lại rất nhiều trong tôi. Nhưng, cuốn sách của tôi sẽ là tập tranh và ký họa về thành phố ngày hôm nay. Nó đang vươn lên thành một đô thị hiện đại, khác xa vẻ êm đềm ngày xưa. Điều đó khiến tôi muốn lưu lại qua tranh vẽ những gì là hồn cốt của nó”, họa sĩ cho biết.
Lựa chọn đó đã giúp ông không bị lạc lối trong hàng ngàn chi tiết của đời sống Sài Gòn hôm nay - điều mà những người gắn bó chưa đủ lâu, chưa đủ sâu với Sài Gòn hay mắc phải.
Cuốn sách có những bức vẽ các di sản, địa điểm và công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn - Chợ Lớn (trung tâm Sài Gòn xưa, đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, hồ Con Rùa, Thảo Cầm Viên, Lăng Ông ở Bà Chiểu, khu mộ gió của danh tướng Võ Tánh, nhà chú Hỏa - Bảo tàng Mỹ thuật, chợ Bình Tây, bến Bình Đông, đường Hải Thượng Lãn Ông… ), vừa có những bức miêu tả sinh hoạt của người dân (ẩm thực Chợ Lớn, phố thuốc bắc Triệu Quang Phục, kiếm sống trên đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Tết Nguyên tiêu…), vừa có những hình ảnh một phần đời sống gia đình tác giả (Phú Nhuận quê nhà, những món ăn thân thuộc của gia đình ông…). Tất cả tạo nên cảm nhận phong phú, đa chiều về Sài Gòn cho người xem tranh.
Bưu điện TP.HCM

Bưu điện TP.HCM

Dù tác giả khẳng định rằng ông vẽ thành phố hiện đại, nhưng thật thú vị khi trong tập sách với hàng trăm bức tranh của ông, Sài Gòn ngày hôm nay lại mang một không khí êm đềm lạ lùng.
Đó có thể là do thuộc tính trong suốt và nhẹ nhàng của những bức tranh màu nước, cộng với những hoài niệm về chính thành phố này và cảm xúc man mác mà tác giả gửi gắm trong từng bức vẽ, từng trang sách. Ở bức tranh vẽ nhà thờ Đức Bà, bên cạnh vài dòng về sự hình thành công trình kiến trúc này, ông viết thêm: “Thời trung học, tôi vẽ từng tấm thiệp mừng Giáng sinh và thiệp chúc tết đem gửi bán ở các sạp thiệp góc đường Hàn Thuyên - công trường Kenedy (nay là công trường Công xã Paris), thế nào cũng gặp bạn cùng lớp ra chọn thiệp hoặc đi lễ nhà thờ…”. Hoặc ở chùm tranh vẽ Lăng Ông ở Bà Chiểu, ông kể: “Gia đình tôi vẫn đến viếng Lăng Ông, thắp nhang trong ngày tết như ngày xưa khi còn sống bà ngoại và mẹ vẫn đi. Phụ nữ trong nhà thích xin xăm, xem bói. Đó là phong tục khiến chúng tôi thấy mình gắn bó với vùng đất này”.
Đường sách Nguyễn Văn Bình tranh của phạm công tâm

Đường sách Nguyễn Văn Bình

Tranh của phạm công tâm

Những năm gần đây, dòng sách về các giá trị văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc trong bối cảnh thành phố đang thay đổi rất nhanh. Là cuốn sách tranh hiếm hoi giữa dòng sách này, Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn của họa sĩ Phạm Công Tâm đã lưu lại cho chúng ta những hình ảnh đáng nhớ nhất của thành phố thân yêu.
Họa sĩ Phạm Công Tâm sinh năm 1956, tại Sài Gòn. Ông từng đoạt giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi do Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa tổ chức năm 1969. Ông tự học vẽ, từng sáng tác tranh sơn dầu, làm tranh sơn mài và sau này thế mạnh của ông là sáng tác tranh màu nước. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.