Éo le một vụ ly hôn

03/03/2019 08:01 GMT+7

Là cặp vợ chồng trẻ, thành đạt, có một bé gái 4 tuổi kháu khỉnh nhưng khi chồng thường xuyên đi công tác, với nhiều hoài nghi, vợ làm đơn xin ly hôn...

Sau nhiều tháng trời làm thủ tục, hòa giải rồi chờ đợi, đến khi nhận bản án ly hôn từ tòa án, cả hai lại hoảng hốt tìm cách để được trở về bên nhau.

Xét xử vắng mặt

Sau thời gian yêu nhau, anh N.H.Q (40 tuổi) và chị L.T.N (30 tuổi, ở TP.HCM) quyết định kết hôn vào năm 2015.
Tuy nhiên, theo chị N., ngay từ đầu chung sống chị không thấy hạnh phúc vì anh “vô tâm”, “có những biểu hiện lạ”. Chị ghen rồi vợ chồng cãi vã và một lần anh đã đánh chị. Sau thời gian cố gắng vì con nhưng thấy chồng không thay đổi, đầu năm 2018, chị N. tự tay viết đơn xin ly hôn, nộp tại TAND Q.2. Trong đơn, chị không yêu cầu anh phải cấp dưỡng nuôi con chung.
Bản án ly hôn cũng là bài học đối với tôi. Có lẽ tôi không nên quyết định một vấn đề gì khi bản thân đang bức xúc, mệt mỏi. Giờ chúng tôi phải mất thêm khoảng thời gian lên tòa để giải quyết mọi vấn đề
Người vợ trong vụ ly hôn
Tòa mời hai bên lên hòa giải lần 1. Anh lên tòa, thừa nhận một phần những gì chị trình bày nhưng không đồng ý ly hôn vì “còn yêu vợ”. Anh nói mỗi lần có mâu thuẫn trong gia đình, chị hay so sánh anh với người yêu cũ của chị; rồi thu nhập anh thấp hơn chị; anh lại thường xuyên đi công trường nên chị hay than vãn trong cuộc sống gia đình khiến anh có những lần to tiếng.
Chuyện bồ bịch, anh khẳng định không có, chỉ là bạn bè nhắn tin chọc ghẹo. Rồi khi cãi nhau, anh có một lần tát tai vợ “do vợ hay cằn nhằn, hỗn với chồng, thiếu tôn trọng gia đình chồng”… Anh thừa nhận có mâu thuẫn nhưng cho rằng đó là chuyện bình thường trong hôn nhân, bản thân anh chị có thể thay đổi đề hàn gắn.
Kết thúc hòa giải lần 1, anh Q. quả quyết không đồng ý ly hôn.
Tòa mời hòa giải lần 2, anh bảo không muốn ly hôn nên anh không lên tòa. Còn chị do thấy anh vẫn thường xuyên đi công tác, ít ở nhà nên cho rằng anh chưa “hồi tâm chuyển ý” và tiếp tục yêu cầu được ly hôn. Ngày tòa gửi giấy triệu tập xét xử, anh đi công trình nên không đến tòa. Chị N. mệt mỏi khi đi lên tòa một mình nên cũng làm đơn xin xét xử vắng mặt.
TAND Q.2 ấn định ngày xét xử sơ thẩm. Trong phiên tòa vắng mặt cả hai bên, HĐXX ghi nhận ý kiến của người vợ tại các buổi hòa giải và cho rằng người chồng thường xuyên vắng mặt không lý do trong các buổi hòa giải, triệu tập đến tòa là cố tình, là anh không muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình; người chồng đã thừa nhận đánh vợ... Từ đó, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định cả hai vợ chồng đã không còn tình cảm, yêu thương, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau nên chấp nhận cho chị N. được ly hôn.

Giá như cả hai bình tĩnh lại…

Thời gian tòa giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, anh chị lo làm ăn, chăm con nên cũng không ai quan tâm. Rồi tòa tống đạt bản án sơ thẩm, anh chị bất ngờ vì đã được tuyên ly hôn. Anh nói không muốn ly hôn, nên nghĩ nếu mình không đến tòa thì tòa sẽ không thể xử, đâu biết rằng tòa được xét xử vắng mặt.
Thời gian đó, anh thường xuyên chăm sóc vợ con hơn, hàn gắn lại quan hệ hai vợ chồng. Anh chị vui vẻ, hòa thuận trở lại nên anh nghĩ chị đã rút đơn hoặc tòa sẽ không xét xử.
Nhận bản án trên tay, vợ chồng anh bủn rủn tay chân, nửa cười nửa khóc khi trong bụng chị đang mang thai con thứ 2. Cả hai tất tả tìm luật sư tư vấn, hướng dẫn làm đơn kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm để vợ chồng tiếp tục cuộc sống hôn nhân hoặc tòa có thể đình chỉ vụ án... Đơn kháng cáo, anh chị đều nêu rõ chỉ là do tự ái nhất thời của hai bên, anh chị đã không bình tĩnh ngồi lại với nhau, hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn dẫn đến việc phải nhận bản án như ngày hôm nay. Giờ đây, vợ chồng hòa thuận, chị lại đang mang thai con thứ 2 nên anh và chị cần phải có trách nhiệm với gia đình.
Anh kể đã bớt đi nhậu hơn, trừ khi cần thiết phải tiếp khách, còn lại anh dành thời gian chăm sóc vợ con. Chị tâm sự đã biết chia sẻ với anh hơn trong công việc, cuộc sống, bớt cằn nhằn, so sánh anh với những người đàn ông ngoài xã hội, chị chỉ cần anh thương và luôn nghĩ đến gia đình. “Bản án ly hôn cũng là bài học đối với tôi. Có lẽ tôi không nên quyết định một vấn đề gì khi bản thân đang bức xúc, mệt mỏi. Giờ chúng tôi phải mất thêm khoảng thời gian lên tòa để giải quyết mọi vấn đề”, chị N. chia sẻ.
Theo thẩm phán Lê Công Toại (TAND TP.HCM), trường hợp xảy ra với vợ chồng chị N. - anh Q., nếu vợ chồng hòa thuận được với nhau và muốn hủy án sơ thẩm thì trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, nguyên đơn cần yêu cầu được rút đơn khởi kiện. Khi đó, nếu bị đơn đồng ý thì TAND sẽ ra quyết định hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Khi nào tòa cho đơn phương ly hôn, xét xử vắng mặt?
Theo luật sư Phạm Văn Hiến Minh, Đoàn luật sư TP.HCM, điều 51 luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Do đó, nếu đối phương (vợ hoặc chồng) không đồng ý ký vào đơn ly hôn thì bên còn lại có quyền yêu cầu tòa giải quyết theo hướng đơn phương ly hôn. Khi đó, tòa sẽ tiến hành hòa giải cho các bên. “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”, luật sư Minh nêu.
Về trường hợp xét xử vắng mặt đương sự, luật sư Minh cho biết theo điều 227 bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi tòa triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa. Khi tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu nguyên đơn vắng mặt không lý do thì tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó; nếu nguyên đơn xin xét xử vắng mặt và bị đơn (không có yêu cầu phản tố) tiếp tục vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn.
--------
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.