Quy định bất cập, thiệt hại lớn
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng VN chất lượng cao, phân tích: "Dự thảo Nghị định sửa đổi của Bộ Y tế chưa tính đến nguy cơ tác hại đối với sức khỏe nhóm dân cư đủ và thừa vi chất khi bắt buộc bổ sung đại trà, mà chỉ quan tâm đến lợi ích cho nhóm dân cư bị thiếu vi chất. Với nhóm người đủ và thừa i ốt, sắt, kẽm, khi bổ sung đại trà vi chất có thể gây những tác hại đến sức khỏe, như có thể bị cường giáp và các bệnh khác.
Khi ban hành chính sách bắt buộc tất cả thực phẩm chế biến công nghiệp đều phải tăng cường i ốt thì bệnh cường giáp có thể lan rộng và đây có thể là việc gây thiệt hại đến quyền của công dân, người tiêu dùng. Theo một số báo cáo nghiên cứu, lượng Natri cung cấp từ thực phẩm chế biến khác (ngoài nước mắm và mì ăn liền) chỉ chiếm có 2% lượng Natri ăn vào. Rõ ràng là tỷ lệ nhỏ như vậy không thể có vai trò gì đáng kể trong phòng chống thiếu i ốt, nhưng lại bắt toàn bộ DN chế biến thực phẩm phải bổ sung các vi chất này là hết sức bất cập".
Theo bà Vũ Kim Hạnh, các hiệp hội không có đủ thời gian kiểm tra hết danh sách 120 nước bắt buộc sử dụng muối i ốt trong thực phẩm mà Bộ Y tế đã báo cáo. Nhưng khi mới thử kiểm tra 2 nước phát triển là Canada và Úc thì đã phát hiện rằng dự thảo cung cấp thông tin không chính xác. Cụ thể, Canada chỉ bắt buộc muối dùng cho nấu ăn ở hộ gia đình và muối trên bàn ăn phải bổ sung i ốt, chứ không yêu cầu cho thực phẩm chế biến công nghiệp. Còn Úc không yêu cầu bổ sung i ốt.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều VN, khẳng định: "Việc bổ sung i ốt vào muối sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Khách hàng yêu cầu phải sử dụng muối tinh, nhưng chúng ta chỉ có muối i ốt thì làm sao đáp ứng? Quan trọng nhất đối với mặt hàng điều là mùi vị và màu sắc, nhưng i ốt có thể làm biến đổi những yếu tố này, từ hàng loại 1 có thể trở thành hàng loại 2 và giá bán chênh lệch rất lớn. Nếu không sửa đổi quy định bất cập này, ngành hàng thực phẩm không chỉ "chết" trên sân khách mà ngay cả sân nhà cũng không cạnh tranh nổi".
Thực tế, phần lớn các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, châu Âu, Mỹ, Úc... chỉ bắt buộc bổ sung i ốt cho muối ăn dùng trong nấu ăn hằng ngày và muối bổ sung trên bàn ăn, không bắt buộc bổ sung i ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp, theo đại diện các hiệp hội.
Doanh nghiệp bức xúc vì kiệt quệ
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Tổng giám đốc Công ty VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), chia sẻ: "DN chúng tôi đứng đầu cả nước về chế biến thực phẩm, xúc xích, đồ hộp… Qua quá trình sử dụng i ốt trong chế biến thực phẩm, các sản phẩm đều phải gia nhiệt, hầu như tồn dư i ốt sau khi chế biến đều không còn. Lượng i ốt sau khi chế biến không còn bao nhiêu, như vậy hiệu quả bổ sung vi chất cho người tiêu dùng không đáng kể, nhưng lại làm tăng chi phí cho DN rất nhiều".
Là một DN lớn trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền, Công ty Acecook VN cũng bị thiệt hại nặng nề vì quy định bổ sung i ốt. Theo ông Phạm Trung Thành, đại diện truyền thông của Acecook, chi phí để tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng (sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa) và không tăng cường vi chất dinh dưỡng (sử dụng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu) trong tất cả công đoạn bảo quản phát sinh thêm 13,5 tỉ đồng/năm.
"Quan trọng hơn, từ thực tế sản xuất và kết quả kiểm nghiệm sản phẩm của Acecook VN, chúng tôi nhận định rằng hiệu quả của việc sử dụng muối có tăng cường i ốt đối với người tiêu dùng là hầu như không có. Trong quá trình sản xuất, i ốt bị bay hơi khi qua công đoạn xử lý ở nhiệt độ 150 - 160oC thì sản phẩm cuối hoàn toàn mất đi i ốt. Đối với xuất khẩu, nhiều thị trường như Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan... bắt buộc phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán khiến cho DN tốn thêm thời gian và chi phí", đại diện Acecook VN phản ảnh.
Bà Hồ Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, bức xúc: "DN sản xuất nước mắm truyền thống hiện nay rất khó khăn để tồn tại. Nếu không tháo gỡ được quy định bổ sung vi chất như i ốt vào muối thì tương lai ngành sản xuất nước mắm không biết thế nào. Sản phẩm nước mắm truyền thống có sẵn i ốt rồi, nếu bổ sung thêm thì dư thừa, phải làm sao? Đó là chưa kể đến khả năng làm biến đổi màu sắc của sản phẩm. Do đó chúng tôi kiến nghị không nên tiếp tục áp đặt bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích thực hiện quy định này".
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó tổng giám đốc Công ty Vifon, nêu bất cập: "Để sản xuất được cả sản phẩm có sử dụng bột mì cho thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng tôi phải dừng máy để chuyển đổi sản phẩm do sử dụng nguyên liệu chính khác nhau, tốn rất nhiều chi phí để vệ sinh, chi phí điện nước và tốn khá nhiều thời gian từ 10 - 15 giờ mới chuyển được từ vận hành làm hàng nội địa sang hàng xuất khẩu. Với những quy định này, chúng tôi nhận thấy hiệu quả mang lại cho người tiêu dùng rất thấp, nhưng lại là dây trói làm giảm sức cạnh tranh đối với DN".
Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty CP VN Kỹ nghệ bột mì, kiến nghị: "Hiện nay các sản phẩm của công ty chúng tôi xuất khẩu đến 30 thị trường quốc tế nhưng các đối tác đều không có yêu cầu bổ sung i ốt vào sản phẩm, do đó Chính phủ cần quan tâm sửa đổi quy định, chỉ nên khuyến khích khi khách hàng có nhu cầu chứ không nên đánh đồng hết như vậy".
GDP cả nước tăng lên, sao vẫn ép ăn theo kiểu nhà nghèo ?
Nước ta có hơn 3.000 km bờ biển, tôm cá rất nhiều mà Bộ Y tế nói là thiếu i ốt trên cả nước là chưa thật sự thuyết phục, khiến tôi nghi ngờ về quá trình nghiên cứu khảo sát. Mỗi quốc gia đều có mức độ kinh tế phát triển khác nhau, thu nhập khác nhau, mức chênh lệch giữa nông thôn và đô thị khác nhau, địa dư khác nhau, thế mạnh công nghiệp, trình độ văn hóa, giáo dục và thói quen ẩm thực khác nhau. Do đó không thể sao chép giải pháp "phủ vi chất toàn diện" của nước khác áp dụng cho VN, bất chấp những khó khăn của DN và sự phát triển kinh tế. Đó là chưa kể có loại thực phẩm bổ sung vi chất nhưng không hiệu quả.
Quy định bắt buộc bổ sung vi chất hiện nay của Bộ Y tế là "phủ toàn diện", nhưng giải pháp này chỉ áp dụng cho những nước cực nghèo như châu Phi, ở những vùng nghèo, thiếu thịt, cá. Còn cả nước hiện nay có nghèo hay không thì cứ nhìn vào thống kê GDP. Người dân cả nước có còn nghèo hay không mà bắt buộc cả nước phải ăn cùng loại thực phẩm giống nhau như vậy? Về hiệu quả, nông thôn và miền núi thực phẩm chính là cơm, bánh gạo, khoai mì chứ không phải bột mì. Chúng ta đưa một sản phẩm bổ sung kẽm, sắt không phù hợp để cung cấp cho vùng miền đó là không hợp lý.
Giải pháp thế nào thì Bộ Y tế nên bàn bạc với các DN, kể cả việc khảo sát lại việc thiếu hụt vi chất. Sau đó có thể khuyến khích sử dụng ở những nơi mức sống thấp, thay vì "phủ toàn diện" và tước đi quyền chọn lựa của người tiêu dùng.
TS Vũ Thế Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học, thuộc Sở ATTP TP.HCM
Bình luận (0)