Bên ủng hộ thì cho rằng đó là bước tiến mới của pháp luật về doanh nghiệp. Phía không đồng tình thì lo ngại, việc quản lý hộ kinh doanh như doanh nghiệp có nguy cơ làm tê liệt sự năng động của khối này. Bên nào cũng có cái lý của mình, thế nhưng...
Đối tượng chính, hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, chiếm hơn 30% GDP lại chưa được hỏi ý kiến trên diện rộng. Trong khi một số cuộc khảo sát nhỏ hay những cuộc vận động, khuyến khích hộ kinh doanh "lớn" thành doanh nghiệp (DN) được chính quyền địa phương chỗ này chỗ kia thực hiện hầu hết không thành công. Các bà bán phở, hủ tiếu; các cơ sở may thêu nhỏ lẻ... nghe đến làm giám đốc là sợ toát mồ hôi hoặc... cười bò.
Cũng đừng trấn an họ không phải lo chuyện ngủ dậy sau một đêm trở thành giám đốc. Nội chỉ chuyện đưa bà bán phở vào "cùng mâm" với những DN tỉ đô, những tập đoàn đa ngành... với rất nhiều các thủ tục hành chính, thuế, đăng ký kinh doanh... nói gì cũng là khập khiễng. Càng khiên cưỡng nếu xét về quy mô, số lượng hộ cá thể đang nhiều gấp khoảng 7 lần số lượng DN; quy mô trong GDP của họ cũng gấp 3 lần. Ép họ vào chung một nhà, chỉ "nhìn" thôi cũng thấy chật chội, bức bối. Mà chật chội, bức bối thì tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc, xung đột. Lúc đó lại mất công cơi nới, cởi trói. Tốn thời gian, nguồn lực của xã hội một cách không cần thiết.
Tất nhiên, không phải hộ kinh doanh nào cũng là bà bán phở, ông hủ tiếu, cô thợ may. Hiện cũng có rất nhiều hộ doanh thu lớn, lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí vài chục tỉ đồng 1 năm nhưng vẫn đóng thuế khoán vài triệu đồng/tháng. Đó là những nhà hàng, quán nhậu, những cơ sở may, những sạp bán hàng trong các chợ đầu mối diện tích chỉ vài mét vuông nhưng đổ sỉ hàng hóa đi khắp cả nước, những hệ thống lưu trú có nhiều cơ sở... Đây thực chất là các DN "khoác áo" hộ kinh doanh, không chịu lớn để né thuế. Nói thế để thấy, trong hơn 5 triệu hộ kinh doanh cũng có rất nhiều thành phần, quy mô, tính chất khác nhau. Thay vì gom hết cả vào một luật để điều chỉnh chúng, nên rà soát phân loại xem hộ nào cần được động viên lên DN, hộ nào giữ nguyên mô hình hiện tại, hoặc cần chiếc áo chính sách mới cho phù hợp.
Khách chán phở thì nấu bún bò, mưa nghỉ nắng bán, ngày chay giảm lượng, bệnh thì nghỉ... đó là sự linh hoạt của hộ kinh doanh cá thể. Đưa họ vào luật Doanh nghiệp có thể khiến sự linh hoạt này bị tê liệt. Quan trọng hơn, việc trở thành giám đốc, chuyển đổi thành DN nếu thuận tiện, có lợi hơn mô hình hiện tại thì chẳng cần thúc ép, động viên, chắc chắn sẽ rất nhiều hộ kinh doanh tự nguyện "lớn". Còn chỉ vì mục tiêu kiểm soát thuế, mục tiêu vài triệu DN hay bước tiến mới về pháp luật DN gì đó mà đưa hơn 5 triệu hộ cá thể vào luật doanh nghiệp thì e rằng chẳng mấy chốc chúng ta lại phải tính đến chuyện trổ cửa cho họ ra.
Bình luận (0)