CHUYỆN KHÔNG CÁ BIỆT
Phụ huynh (xin giấu tên) có con học lớp 9 tại một trường THCS thuộc H.Gia Lâm (Hà Nội) cho PV Thanh Niên biết: trước thời điểm nộp đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay, giáo viên (GV) dạy toán của con họ liên tục "khủng bố" tinh thần những phụ huynh có con đạt kết quả môn học của cô chưa cao, bằng cách đề nghị con đừng đăng ký dự thi. Hình ảnh chụp màn hình tin nhắn trên nhóm Zalo có tất cả phụ huynh cho thấy cô chì chiết: "Con nhà các vị không học và không muốn học nhưng nhiều phụ huynh lại muốn con phải thi vào trường thật cao, thật sang. Học sinh (HS) không học, không sửa bài và không nghe giảng, không làm bài tập về nhà, chỉ ngủ và ngủ thì thi gì?...".
Phụ huynh không dám phản ứng nhưng trong nhóm không có GV thì cách nói của cô khiến nhiều ý kiến phản ứng gay gắt. Một phụ huynh viết: "Cô giáo nêu tên và động viên một số trường hợp các con học yếu không nên thi vào cấp 3 công lập và chỉ trích các con về việc lười học. Việc các cô phê bình và nhắc nhở để giúp các con tiến bộ thì gia đình ủng hộ nhưng thiết nghĩ quyền chọn lựa trường và thi cử là của gia đình vì còn phụ thuộc điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Biết là các con học yếu nên gia đình cũng chỉ dám chọn các trường ở nhóm thấp nhất. Không biết vì lý do gì mà các cô lại cứ động viên con không nên thi, không biết việc thi cử này của các con có ảnh hưởng đến thành tích của trường và lớp không?".
Không chỉ dừng lại ở "khủng bố" tinh thần trong nhóm chat của lớp, phụ huynh còn cho biết GV này gọi điện riêng cho một số phụ huynh nói rất nặng lời như con học "rất dốt" thì thi cái gì, khi biết bố mẹ vẫn kiên quyết đăng ký cho con dự thi vào lớp 10 THPT. Mặc dù theo phụ huynh này, các con chỉ chọn những nguyện vọng mà năm ngoái lấy điểm đầu vào rất thấp.
Không được ép buộc học sinh
Có con em đang học lớp 9 tại Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình, TP.HCM), một phụ huynh bức xúc phản ánh với PV Thanh Niên: "Con tôi về kể trong lớp GV chủ nhiệm thường xuyên la HS theo kiểu học như thế này thì rút học bạ, học trường tư đi. Những HS bị la thì lo lắng, hoang mang, vào giờ giải lao các bé học yếu luôn hỏi nhau câu "rồi giờ tui chuẩn bị đi nhặt rác luôn hả?".
Cũng theo vị phụ huynh HS nói trên, khi họp phụ huynh về tư vấn nguyện vọng lớp 10, GV này nói chuyện khá bình thường, ngoài các nguyện vọng trường công lập thì phụ huynh có thể đăng ký cho con vào học trường tư, trung tâm GDTX... Nhưng ở trên lớp, GV "hù dọa" khiến các cháu rất căng thẳng, có suy nghĩ học yếu bị ép học trường tư.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Hồng Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình), khẳng định trường không có chủ trương yêu cầu HS xác nhận không thi lớp 10 và đăng ký vào trường ngoài công lập.
"Nhà trường và GV thực hiện tư vấn phân luồng HS phù hợp với năng lực học tập và điều kiện của các em sau THCS và quan trọng vẫn là quyết định của phụ huynh. Nhà trường không có bất cứ ép buộc nào với HS", bà Dung nói.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cũng nhìn nhận, có thể trong lúc tư vấn, trao đổi với phụ huynh, HS, GV chưa thể hiện rõ ý và đôi khi có những phụ huynh, HS hiểu chưa đúng vấn đề. Nhà trường cũng như GV không ép buộc HS rút hồ sơ, học bạ vì hiện nay là thời điểm các em đang kiểm tra học kỳ 2. Điều đó là không thể. Tuy nhiên qua đây, nhà trường sẽ trao đổi với GV chủ nhiệm lưu ý trong quá trình tư vấn, trao đổi với phụ huynh, HS cần chia sẻ sao cho phù hợp để mọi người hiểu đúng.
Cũng về việc lựa chọn mô hình học tập sau khi hoàn thành bậc THCS, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho biết HS có quyền lựa chọn thi lớp 10 hay đi theo hướng học tập khác. Bộ phận tư vấn của nhà trường làm nhiệm vụ tư vấn chứ hoàn toàn không được ép buộc theo một hình thức nào. Nhà trường và GV không có quyền làm việc đó.
YÊU CẦU HIỆU TRƯỞNG, TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT CHỊU TRÁCH NHIỆM
Ngày 26.4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi phòng GD-ĐT của tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn, yêu cầu: rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có); quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền HS không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc HS không tham gia kỳ thi rất mong manh, nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh HS hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc; cần xem xét ở từng tình huống cụ thể.
"Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng có trường hợp bị nhà trường ép buộc, khiến phụ huynh HS bức xúc. Đây là điều rất đáng tiếc", ông Tiến nhấn mạnh và cho biết trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quán triệt tới tất cả các phòng GD-ĐT, các nhà trường, yêu cầu tuyệt đối không vận động HS không tham dự kỳ thi lớp 10 dưới bất kỳ hình thức nào. Các nhà trường có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác tới tất cả HS về các quy định liên quan công tác tuyển sinh lớp 10 và định hướng phân luồng HS của TP.Hà Nội để HS có lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc; đồng thời bảo đảm quyền lợi đăng ký dự thi của tất cả HS.
Ông Tiến cũng lưu ý: "Căn cứ vào năng lực học tập của HS, GV chỉ cung cấp cho HS, phụ huynh HS về các loại hình trường mà các em có thể theo học ở lớp 10 và tư vấn cho các em nguyện vọng phù hợp với năng lực, quyền quyết định là của HS, gia đình HS. Các nhà trường phải bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 của HS, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ bức xúc vì sao chuyện này đã tồn tại nhiều năm, năm nào cũng tái diễn, bộ rồi sở GD-ĐT hứa sẽ xử lý nghiêm mà "chưa thấy gì". Trong bối cảnh đó, việc ra văn bản và chỉ đạo liệu có tác dụng gì không?
Có phải vì thành tích ?
Trả lời câu hỏi liệu hiện tượng "ép" HS không thi vào lớp 10 có phải do các trường sợ ảnh hưởng đến thành tích và xếp loại thi đua hay không, Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến khẳng định: "Ngành GD-ĐT Hà Nội không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập thành tiêu chí xếp loại thi đua đối với các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố".
Chiều 26.4, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các trường cũng như GV tuyệt đối không sử dụng các biện pháp, các hình thức để ép HS học nghề, học giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hay học THPT ngoài công lập. Cũng theo ông Minh, tỷ lệ HS đậu lớp 10 không phải là tiêu chí đánh giá GV và sở cũng yêu cầu các trường không dùng tỷ lệ này để đánh giá GV.
Bình luận (0)