Đến thời điểm này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết chưa có trả lời chính thức về phản ánh "ép học sinh không thi vào lớp 10" vì đang trong quá trình xử lý thông tin đã tiếp nhận từ báo cáo của địa phương, cũng như người dân phản ánh qua đường dây nóng tuần vừa qua.
"Dự kiến trong tuần này sẽ có phương án để xử lý các thông tin mà Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận", vị đại diện này cho biết.
Phản ánh của phụ huynh về việc con bị ép không thi vào lớp 10 làm "dậy sóng" dư luận trong tuần qua |
chụp màn hình |
Trước đó, ngay khi dư luận "dậy sóng" trước thông tin về việc có một số trường THCS ở Hà Nội ép học sinh có học lực chưa tốt không được thi vào lớp 10 hoặc buộc phải chuyển sang trường tư thục, sáng 20.4, Bộ GD-ĐT phát đi quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ: "Nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên".
Trong thông báo này, Bộ GD-ĐT cũng công khai số điện thoại đường dây nóng và email “kêu gọi” người dân hãy lên tiếng phản ánh và hứa sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng ép học sinh có học lực không tốt không được dự thi vào lớp 10.
Chỉ sau đó 2 ngày, một đại diện của Bộ GD-ĐT chia sẻ với PV Thanh Niên đã nhận được khá nhiều phản ánh của người dân về tình trạng này, trong đó chủ yếu là phụ huynh có con học ở Hà Nội. Họ gọi điện, gửi email dù giấu tên nhưng nêu rõ tên trường, kể chuyện "được" giáo viên, nhà trường “gợi ý” hoặc thúc ép ra sao về việc không nên thi vào lớp 10 trường công lập mà nên chọn một trường tư thục xét tuyển học bạ, hoặc trường dạy nghề theo hình thức “9 +”…
Sau thông tin này, phụ huynh có con học ở các trường khác cũng tiếp tục phản ánh tới báo chí con em mình có học lực không tốt đã từng hoặc đang bị ép không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập, hoặc phải chuyển cho con sang trường tư thục với nhiều lý do khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã "vào cuộc" và phản ứng khá nhanh chóng trước phản ánh bức xúc của người dân trong vấn đề này. Tuy nhiên, điều dư luận chờ đợi là quan điểm chỉ đạo xử lý của Bộ GD-ĐT ra sao với không chỉ một vài trường hợp đơn lẻ, mà phải có biện pháp để hiện tượng can thiệp thô bạo đến quyền học tập của học sinh không tiếp tục tái diễn như nhiều năm qua.
Bình luận (0)