'Ép' một phụ nữ làm đàn ông

06/10/2013 09:00 GMT+7

Được bệnh viện xác nhận là nữ , thậm chí đã qua giải phẫu cắt bỏ tử cung nhưng vẫn không thể xin con nuôi vì trên giấy tờ pháp lý vẫn phải là... đàn ông.

“Ép” một phụ nữ làm đàn ông
Chị Ngô Văn Hồng bức xúc vì chưa được công nhận là nữ - Ảnh: Phước Hiệp

“Trên pháp lý tôi phải mang thân phận nam giới dù rằng tôi vẫn có đầy đủ chức năng của một người phụ nữ. Ngay cả khi tôi bị u nang phải cắt bỏ tử cung, không thể sinh con và đi xin con nuôi thì cũng không được chấp nhận vì người mẹ mà lại có giới tính là nam giới”, chị Ngô Văn Hồng (29 tuổi, ngụ ấp 2, xã Minh Thành, H.Chơn Thành, Bình Phước) buồn rầu tâm sự.

Mang nhầm giới tính

Hồng sinh ngày 5.3.1984 tại nhà mụ vườn đỡ đẻ với sự bất thường ở bộ phận sinh dục, không rõ nam hay nữ. Ngay khi phát hiện, gia đình đã chuyển Hồng lên một bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM để làm các xét nghiệm, kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy bộ phận sinh dục của Hồng chỉ có cục u nhỏ, ở giữa có khe nhỏ để tiểu tiện, không có hậu môn. Các bác sĩ đã phẫu thuật gắn hậu môn giả và nhận định là nam giới.

Ngày 19.1.1990, UBND xã Minh Thành, H.Bình Long, Sông Bé (nay là H.Chơn Thành, Bình Phước) cấp giấy khai sinh với cái tên là Ngô Văn Hồng, giới tính nam. "Trong suốt thời gian đi học, tôi phải mặc đồ con trai, trong lớp thầy cô cũng xếp chung bàn với đám bạn trai. Đến năm 13 tuổi, khi đang học lớp 6, cơ thể tôi bắt đầu có sự thay đổi bất thường khi ngực bắt đầu to lên và thường xuyên đau bụng dữ dội do đang trong thời kỳ bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt", Hồng nhớ lại.

Theo bà Trần Thị Giang (49 tuổi, mẹ của Hồng), khi thấy con đau bụng, gia đình đưa đến khám tại BV Nhi đồng 2, thì các bác sĩ nhận định Hồng là nữ, đang trong thời kỳ kinh nguyệt nhưng đang bị ứ trong bụng, không thoát ra được do âm vật cấu tạo bất thường. Sau khi khám xong, BV giới thiệu Hồng sang BV Từ Dũ để phẫu thuật chuyển đổi nữ giới.

 

Mất khoảng 4 tuần

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân (TP.HCM), nói trường hợp của chị Hồng không cần phải ra Hà Nội mất nhiều thời gian, vì dự kiến khoảng 2-3 tuần nữa là khoa Nam học BV Bình Dân, TP.HCM sẽ được phép thực hiện chức năng về xác định giới tính. Theo ông, hiện BV còn chờ một số thủ tục sau cùng để cơ quan quản lý phê duyệt. “Với người lớn, chu trình xác định giới tính mất khoảng 4 tuần để làm các xét nghiệm, họp hội đồng chuyên môn, đưa ra hướng điều trị...”, ông Dũng nói.

Thanh Tùng

Hơn 1 năm sau (1998), gia đình bà Giang ra UBND xã Minh Thành, Phòng Tư pháp H.Chơn Thành xin làm lại giấy khai sinh xác định lại giới tính từ nam thành nữ cho Hồng thì bị từ chối vì không thuộc thẩm quyền giải quyết, đồng thời được hướng dẫn đến Sở Tư pháp Bình Phước. "Sở Tư pháp yêu cầu phải thành lập Hội đồng giám định y khoa thì mới có thể công nhận Hồng là nữ. Họ nói chi phí để thành lập Hội đồng giám định y khoa lên đến 15 triệu đồng. Lúc này, gia đình tôi đang mắc nợ chồng chất, bán hết tài sản cũng chỉ được vài triệu thì lấy tiền đâu ra mà lo cho con. Vì không có tiền nên tôi đành tắc lưỡi ra về”, bà Giang kể.

Vì mắc cỡ khi bị bạn bè trêu chọc, Hồng nghỉ học, ở nhà đi nhặt điều thuê.

Càng lúc càng tuyệt vọng

Đến năm 2010, Hồng lấy chồng. Do trong giấy khai sinh là nam giới nên không thể đăng ký kết hôn. Hồng tiếp tục nộp đơn xin cải chính giấy khai sinh nhưng Phòng Tư pháp H.Chơn Thành yêu cầu cần có giấy chứng nhận y tế xác định giới tính. Ngày 29.10.2012, sau khi tiến hành các xét nghiệm kiểm tra, Phân viện Pháp y TP.HCM đã có kết luận pháp y về giới tính, xác định Ngô Văn Hồng là nữ giới. Nhưng cơ quan tư pháp địa phương vẫn không chấp nhận mà đòi phải có giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu đi kèm Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24.5.2010 của Bộ Y tế.

Sở Tư pháp Bình Phước biết chắc là “chị Hồng” nhưng cũng tiếp tục đẩy vụ việc lên Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng “dẫn luật” để trả lời chung chung: "Trường hợp xác định lại giới tính thì phải nộp giấy chứng y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính...".

Đến ngày 7.6.2013, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1972 về việc công nhận cơ sở đủ điều kiện can thiệp y tế xác định lại giới tính, trong đó có BV Nhi đồng 2; đồng thời đề nghị UBND H.Chơn Thành hướng dẫn đương sự cung cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính của một trong các BV trên. Thế nhưng, khi chị Hồng cầm giấy giới thiệu của Phòng Tư pháp H.Chơn Thành đến BV Nhi đồng 2 xin xác định giới tính thì nơi đây từ chối, với lý do chỉ tiếp nhận xác định, can thiệp giới tính cho người từ 15 tuổi trở xuống; đồng thời hướng dẫn ra BV Việt - Đức (Hà Nội).

“Tôi đã làm theo yêu cầu này đến yêu cầu khác nhưng đều không được chấp nhận. Càng lúc tôi càng tuyệt vọng. Tại sao kết luận của Phân viện Pháp y TP.HCM lại không có giá trị pháp lý với Bộ Y tế lẫn Bộ Tư pháp? Gia đình tôi nghèo, bây giờ ra Hà Nội để làm xác định lại giới tính là một vấn đề hết sức khó khăn”, Hồng than thở.

Vì đã cắt bỏ tử cung, không còn khả năng sinh nở nên hai vợ chồng chị đã xin một đứa con nuôi nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành làm các thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

Phước Hiệp

>> Trường hợp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính
>> “Hoán cải” lại giới tính cho một em bé
>> Rắc rối pháp lý của cô giáo chuyển đổi giới tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.