“Ét o ét” là gì mà ai cũng nói?

15/03/2022 13:46 GMT+7

Dạo gần đây người trẻ rầm rộ sử dụng cụm từ “ét o ét”. Xăng tăng giá các bạn cũng kêu “ét o ét”, mua sắm nhiều quá “sạch túi” cũng than là “ét o ét”…Vậy cụm từ này xuất phát từ đâu, có nghĩa là gì mà ai cũng nói?

Cụm từ "Ét o ét" là gì và xuất phát từ đâu mà dạo gần đây người trẻ lại dùng nhiều?

H.N

Lúc đầu nghe cứ tưởng như nhại tiếng lợn kêu?

Khá thắc mắc khi thấy bạn bè dạo gần đây cứ đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội cũng thường kèm với cụm từ “ét o ét”, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, hài hước nói: “Lúc đầu thấy mình cứ tưởng là các bạn đang nhại tiếng lợn kêu (cười), vì ngày xưa ở quê mình mỗi lần mẹ bán lợn là mình thường nghe tiếng lợn kêu ét ét. Có lần xem video cũng thấy có bạn nói từ này, mình thấy lạ lạ nhưng cũng vui tai, biết là trend rồi nhưng mình cũng không biết rõ nguồn gốc là từ đâu mà có trend này và mình cũng đang rất thắc mắc không biết nó là gì”.

Ngọc kể, dạo gần đây thấy nhiều nhất là lúc xăng tăng giá: “Dường như ngày nào mình cũng thấy đứa bạn này hay hội nhóm kia lại chia sẻ hình ảnh xăng tăng giá kèm theo cụm từ ét o ét, mình đoán chắc là than kiểu như trời ơi rồi. Nhưng mà hình như cái này có nghĩa khác, chứ không mang nghĩa như vậy”.

Theo Uyên, dạo gần đây có nhiều tin tức biến động khiến người trẻ càng dùng cụm từ "ét o ét" này càng nhiều

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng giống Ngọc, nhiều bạn trẻ cũng thắc mắc cụm từ “ét o ét” hay “ét ô ét” là gì mà sao thấy nhiều người đều dùng.

Nguyễn Thị Thu (24 tuổi, ngụ tại số 47, đường Lạc Long Quân, TP. Nha Trang) thì chia sẻ: “Nhiều người dùng quá nên mình chắc chắn từ này đang rất hot luôn, mà thực sự cũng không biết là từ đâu mà có từ này. Mình đoán chắc một kiểu nói từ tiếng Anh sang tiếng Việt như từ “Ơ mây zing, gút chóp em” một thời cũng khuynh đảo cả cộng đồng mạng. Nhưng từ “Ơ mây zing, gút chóp em” thì mình nghe qua còn hiểu, còn cụm “ét ô ét” này thì mình thấy khó hiểu hơn, nhưng nghe thì cũng rất thích thú”.

“Ét o ét” là gì và xuất phát từ đâu?

Chàng trai Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, rất thường hay sử dụng cụm từ này, cho biết cụm "ét ô ét" xuất phát từ một clip trên Facebook và truyền miệng nhau.

Đức nói: “Mình được biết đây là cách gọi Việt hóa của từ SOS trong tiếng Anh, nghĩa là Save Our Soul, cụm này được dùng phổ biến hơn. Ngoài ra, bàn sâu hơn về cụm SOS thì ban đầu nó có nghĩa là Save Our Ship, tức dùng để cấp cứu những tàu thuyền gặp nạn trên biển. Còn thời nay, chữ này chủ yếu được dùng trong cả những trường hợp cấp bách, khẩn cấp”.

Và Đức chia sẻ thêm: “Riêng cá nhân mình nghĩ thì việc dùng “Ét ô ét” thay cho SOS chỉ là cách đọc Việt hóa của người Việt. Với cả mình thấy nó cũng dễ thương ấy chứ, các bạn chỉ là viết thành cụm "Ét ô ét" cho dễ đọc thôi, chứ bản thân ý nghĩa và cách sử dụng thì đa phần các bạn vẫn tuân theo quy ước mà đó giờ mình vẫn biết. Và với mình, việc dùng này rất dễ thương và nghe cũng vui tai lắm”.

Cụm từ được dùng phổ biến khắp mọi nơi

CHỤP MÀN HÌNH

Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu TP.HCM), thì cho biết nguồn gốc ban đầu là từ kênh TikTok Bà Toạn Vlogs. Cách kêu cứu SOS được người phụ nữ này đọc khá thuần Việt nên trở thành “ét o ét”. Sau đó, kênh TikTok Triển Chill hay làm những nội dung so sánh thời ông bà, cha mẹ cho đến gen Z hiện nay khai thác từ “ét o ét” này, từ đó trở nên thịnh hành hơn nữa.

“Vốn dĩ SOS mang ý nghĩa cho tàu thuyền gặp nạn phát ra nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp nhưng ngày nay ký hiệu được mở rộng với mọi trường hợp nguy hiểm, nguy cấp cần sự giúp đỡ. Mình thấy các bạn trẻ ngày nay dùng “ét o ét” trong các trường hợp mang tính cấp thiết, giải cứu với ý nghĩa trêu đùa hơn. Chẳng hạn như đặt quá nhiều đơn hàng shoppee và hết sạch tiền thì có thể nói “ét o ét cái ví của tui” hay là xăng tăng giá bất thường các bạn cũng “ét o ét” hoặc tình trạng F0 tăng mạnh các bạn cũng “ét o ét”...”, Uyên chia sẻ.

Theo Uyên bạn trẻ thích dùng từ “ét o ét” là do dễ đọc, dễ nhớ và nghe cũng vui tai.

“Vốn dĩ các từ tiếng Anh mà được đọc nhại ra rất dễ nhớ với người Việt. Ví dụ như là hé lô (hello), ô kê (ok), bái bai (bye bye), mô đen (modern), xì tai (style)... Một phần nữa là sự bắt nhịp xu hướng của giới trẻ rất nhanh, 1 bạn dùng thì 10 bạn dùng và nó trở nên thịnh hành cùng với hiện nay có quá nhiều tin tức biến động khiến giới trẻ càng dùng từ ngữ “ét o ét” này nhiều hơn”, Uyên cặn kẽ về cách giải thích “ét o ét” là gì và tại sao nhiều bạn trẻ lại thích dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.