Các ngoại trưởng EU vừa qua đã nhất trí khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn tại hội nghị diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 12.7, theo Reuters. Chiến lược mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” có mục đích kết nối châu Âu với phần còn lại của thế giới nhằm thúc đẩy chính sách kinh tế, ngoại giao và phát triển, cùng lợi ích an ninh, giá trị của châu Âu.
Đối trọng với Trung Quốc ?
Nội dung chiến lược không nhắc đến Trung Quốc nhưng theo các quan chức và giới quan sát, nó được tung ra nhằm làm đối trọng với sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Mỹ đối phó Trung Quốc về thương mại kỹ thuật sốBloomberg ngày 13.7 đưa tin các quan chức chính phủ Mỹ đang thảo luận thiết lập một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với các nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo giới thạo tin, các thành viên có thể gồm các nước như Canada, Chile, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore và Úc. Chi tiết thỏa thuận đang được biên soạn, nhưng trong đó có thể đặt ra các tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, bao gồm quy tắc về sử dụng dữ liệu, thỏa thuận về tạo điều kiện thương mại và hải quan điện tử.
Đây được coi là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định vai trò của Mỹ tại khu vực sau khi người tiền nhiệm rút khỏi đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.
|
Dù Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc gây ảnh hưởng, trong cuộc họp báo tại Brussels, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng các công cụ tài chính và kinh tế để gia tăng ảnh hưởng chính trị lên khắp thế giới và khẳng định EU phải đưa ra lựa chọn thay thế, thay vì chỉ biết ta thán.
Mở rộng kết nối
Theo chiến lược mới, Ủy ban Châu Âu được giao nhiệm vụ xác định danh sách các dự án đầu tư “rõ ràng và có tác động lớn” để trình lên EU vào mùa xuân năm 2022. Ngân sách của chiến lược không được nêu cụ thể nhưng EU kêu gọi nguồn đầu tư từ cả lĩnh vực công và tư nhân, đồng thời khơi thông kế hoạch tài chính để thúc đẩy đầu tư.
Chiến lược mới vượt ra ngoài khuôn khổ của chiến lược kết nối EU - châu Á hồi năm 2018. Các dự án tương lai không chỉ tập trung tại những nước châu Âu mà còn ở các khu vực khác như châu Phi và Mỹ Latin.
Bên cạnh đó, EU cũng nhấn mạnh việc hợp tác kết nối với các nước và khu vực cùng chí hướng, trong đó có ASEAN và Mỹ. Trước đó, EU đã ký kết hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ cho các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số nối châu Âu và châu Á. Hồi tháng 6, lãnh đạo EU và nhóm G7 cũng khởi động dự án đầu tư hạ tầng “Tái xây dựng thế giới tốt hơn” nhằm kêu gọi đầu tư hạ tầng ở các nước thu nhập trung bình và thấp, cạnh tranh với BRI.
Euronews dẫn lời Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell khẳng định sáng kiến của EU có cách tiếp cận và mục đích khác với BRI của Trung Quốc nhưng giới quan sát nhận xét cách tiếp cận là thiếu rõ ràng, khác biệt so với sáng kiến của Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, chiến lược này có thể dẫn đến những mâu thuẫn giữa các nước lớn như Đức và Pháp về việc phân bổ nguồn lực cho khu vực nào. Chiến lược cũng bị cho là thiếu quyết liệt trong việc khuyến khích các công ty tăng đầu tư tại những nơi được cho là quan trọng về chiến lược nhưng rủi ro về kinh tế. Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại chiến lược này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư giữa EU và Trung Quốc.
Bình luận (0)