CELAC được thành lập năm 2010, không bao gồm Mỹ và Canada mà có tất cả các quốc gia ở khu vực Mỹ Latin và Caribe là thành viên. Trong CELAC, 4 thành viên Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay còn thành lập cộng đồng kinh tế riêng với tên gọi là Mercosur.
EU hiện coi trọng và tranh thủ các đối tác xa này như thế nào thể hiện ở những mỹ từ to tát và ngọt ngào mà lãnh đạo EU sử dụng tại cuộc gặp cấp cao về CELAC và về triển vọng quan hệ hợp tác giữa EU với CELAC cũng như với Mercosur. EU còn tung ra gói tài chính 45 tỉ euro đầu tư vào các nước thành viên CELAC trong thời gian tới và kêu gọi CELAC ký kết thỏa thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do với EU.
Có nhiều lý do xác đáng và cấp thiết khiến EU phải chinh phục lại các đối tác xa trên. Cho tới trước cuộc gặp cấp cao này, EU luôn tự cho là ở "cơ trên" trong quan hệ hợp tác với CELAC và Mercosur, áp đặt điều kiện lẫn tiêu chí nhiều hơn là coi trọng hợp tác bình đẳng. Với Mercosur là ví dụ điển hình. Hai bên đã ký kết thỏa thuận về thương mại tự do từ năm 2019, nhưng rồi phía EU ra thêm điều kiện nữa thì mới phê chuẩn nên đến tận bây giờ thỏa thuận này vẫn chưa có hiệu lực.
Chiến sự ở Ukraine cùng việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào khu vực Mỹ Latin và Caribe, cũng như nguy cơ về mất sự ổn định và tính liên tục trong quan hệ với Mỹ sau mỗi lần thay đổi tổng thống buộc EU phải tranh thủ và chinh phục thị trường lẫn đối tác ở khu vực này.
Bình luận (0)