Tự động phát
Châu Âu đối mặt với nguồn cung khí đốt giảm mạnh kể từ ngày 27.7, khi công ty Nga Gazprom nói sẽ cắt giảm lưu lượng khí đối đi qua đường Nord Stream 1 tới Đức chỉ còn 20% công suất.
Ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Thương mại-Công nghiệp CH Czech, cho biết: "Các bộ trưởng thống nhất tự nguyện giảm ít nhất 15% lượng tiêu thụ khí đốt của EU từ 1.8.2022 đến 21.3.2023, so với lượng trung bình sử dụng trong 5 năm qua".
Kế hoạch này được thông qua trong cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU ở Brussels nhằm giúp "giảm tác động của nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn".
Ông Sikela cho biết: "Ngày hôm nay chúng tôi đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ, không chỉ đến ông Vladimir Putin, người mà một lần nữa đã không chia rẽ được Liên minh châu Âu, mà quan trọng nhất là gửi đến các công dân của chúng tôi".
"Quyết định của ngày hôm nay đảm bảo chúng ta sẽ không phải đối mặt những hậu quả nặng nề nhất vào mùa đông, bao gồm khan hiếm khí đốt và tăng giá".
Đề xuất mang tên "Tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn" được Ủy ban châu Âu công bố hồi 1 tuần trước.
Đề xuất này thúc giục tất cả thành viên EU giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt bằng cách chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo hoặc than, dầu và năng lượng hạt nhân, cũng như hướng dẫn người dân sử dụng năng lượng theo phân phối đầu người.
Ý tưởng này vấp phải nhiều phản đối. Nguyên nhân là các nước thành viên EU sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Một số nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga, nhưng có nhiều nước không mua.
Các nước dùng rất ít hoặc không dùng năng lượng Nga đã phản đối việc phải hy sinh nhu cầu của mình cho những nước mà trong nhiều năm qua đã hưởng lợi từ nguồn nhiên liệu rẻ từ nước Nga.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai nước hầu như không kết nối với hệ thống khí đốt EU, cho rằng mục tiêu 15% "cào bằng" là không công bằng.
Pháp, Luxembourg và Netherlands ủng hộ kế hoạch ban đầu vì lo sợ hậu quả kinh tế nếu nước Đức lâm vào suy thoái.
Cuối cùng, tất cả các thành viên EU đã ủng hộ kế hoạch, ngoại trừ Hungary, nơi mà chính phủ không hào hứng ủng hộ các biện pháp cấm vận của EU.
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các cáo buộc nguồn cung khí đốt đến châu Âu sẽ bị cắt đứt hoàn toàn.
Ông nhấn mạnh dù quan hệ giữa Moscow và Brussels căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Gazprom "sẵn sàng bơm khí đốt khi cần thiết", nhưng EU đã "tự đóng cửa mọi thứ".
Bình luận (0)