EU lại gia hạn lệnh trừng phạt với Nga

07/09/2016 21:48 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) ngày 7.9 gia hạn thêm một số lĩnh vực trong lệnh trừng phạt Nga, vì lý do vụ sáp nhập Crimea và “vai trò của Nga” trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao.

Từ năm 2014 đến nay Nga vẫn chịu lệnh trừng phạt từ EU xoay quanh các vấn đề nói trên. Trong đó, những hạn chế về ngành du lịch/đi lại và đóng băng tài sản sẽ hết hiệu lực từ ngày 15.9 tới. Nhưng EU đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng, tác động tới 150 người và 37 pháp nhân liên quan tới Crimea và miền đông Ukraine.

Danh sách các nhân vật chịu lệnh trừng phạt này có lực lượng nổi dậy, một số quan chức, nghị sĩ và nhân vật chính trị, cũng như 2 người nổi tiếng đã bày tỏ sự ủng hộ phe nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt của EU cũng nhắm vào tập đoàn vũ khí Almaz-Antey của Nga vốn là nhà sản xuất các hệ thống phòng không và tên lửa lớn nhất, cùng một vài doanh nghiệp ở Crimea do chính quyền tiếp quản từ sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga từ tháng 3.2014.

EU không công nhận sự sáp nhập Crimea, và cũng cáo buộc Nga đã áp đặt ảnh hưởng lên cuộc nổi dậy của các tay súng ở miền đông Ukraine chống chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko.

Các lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài đến thời điểm này được xem là cách EU gây áp lực lên Nga, nhằm khiến Moscow tác động để thực thi một lệnh ngưng bắn ở miền đông Ukraine. Lệnh cấm vận chính của EU lên Nga nhằm vào kinh tế, có hiệu lực đến tháng 1.2017, và trước đây vẫn được xem chỉ có thể gỡ bỏ trong trường hợp giải quyết được bế tắc ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa EU và Nga đã trở nên rất xấu sau những sự kiện nêu trên. Phía EU cũng không ít lần bày tỏ sự không hài lòng về những chính sách của Nga, kể cả chuyện trong nước.

Ngày 6.9,  Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini kêu gọi Nga nên cân nhắc trước quyết định “cách ly” hãng nghiên cứu Levada.

Trước đó Levada, một hãng thống kê – khảo sát độc lập khá nổi tiếng tại Nga, bị Moscow đưa vào danh sách “những đại diện nước ngoài”. Điều này có nghĩa Nga cho rằng Levada dính dáng tới các hoạt động chính trị, thay mặt cho các thế lực ngoại quốc, theo Reuters.

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền Nga cân nhắc quyết định xem các tổ chức phi chính phủ ở nước này là ‘đại diện nước ngoài’, vì nó rõ ràng nhằm mục đích hạn chế sự độc lập và đe dọa sự tồn tại của các tổ chức ấy”, bà Federica Mogherini nói trong một tuyên bố.

Tại Nga, Levada nằm trong số 3 hãng khảo sát được đánh giá cao nhất bên cạnh VTsIOM and FOM do nhà nước điều hành. Levada cũng thường xuyên khảo sát mức độ tín nhiệm của người Nga dành cho Tổng thống Vladimir Putin, và thường xuyên cho kết quả khá cao (hơn 80%). Mặc dù vậy bà Mogherini lo ngại về sự kiện lần này, nhất là khi vụ việc xuất hiện chỉ hai tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Nga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.