EU, NATO nói không tham chiến đối đầu Nga ở Ukraine

23/09/2022 09:45 GMT+7

Ngày 21.9, phát ngôn viên chính sách ngoại giao EU Peter Stano tuyên bố Liên minh châu Âu không gây chiến với Nga, nhưng sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine kháng cự Nga.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên lực lượng quân nhân dự bị tại nước này. Ông Putin khẳng định Nga đang đối mặt với "toàn bộ cỗ máy quân sự phương Tây" ở Ukraine.

Phát ngôn viên Stano nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: "Tất nhiên là chúng tôi không trong tình trạng chiến tranh với Nga. Chúng tôi ủng hộ sự hợp pháp của Ukraine trong việc bảo vệ người dân và lãnh thổ".

Ông cũng cho rằng việc nhà lãnh đạo Nga phát lệnh động viên chỉ là "một bằng chứng khác" cho thấy nhà lãnh đạo Nga không quan tâm đến hòa bình và tìm cách "gây leo thang chiến tranh".

Các nước phản ứng ra sao sau khi Tổng thống Nga Putin phát lệnh "động viên một phần"?

Ông Stano cam kết EU sẽ áp thêm biện pháp trừng phạt Nga vì các động thái mới nhất tại Ukraine. Đồng thời, các thành viên EU cũng được cho là đang "thảo luận về hành động chung" để phản ứng trước các tiến triển mới nhất tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Stano không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.

Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói Moscow không chỉ chiến đấu với các lực lượng Kyiv mà với toàn thể EU tại Ukraine khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch như "công cụ chiến tranh" để khiến khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng trầm trọng hơn.

Trước đó vào ngày 20.9, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Robert Bauer cũng khẳng định liên minh quân sự này không gây chiến chống Nga dù hỗ trợ số lượng lớn vũ khí cho Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ERR, ông Bauer được hỏi liệu các gói viện trợ quy mô lớn NATO cung cấp cho Ukraine có đồng nghĩa với việc liên mình này "ít nhất một phần" có tham chiến với Nga hay không. Tuy nhiên, vị quan chức đã bác bỏ quan điểm này: "Tôi phải nói thật rõ rằng NATO không tham chiến chống Nga".

Ông nói rõ rằng việc NATO tham chiến chỉ xảy ra nếu Moscow tấn công một trong các thành viên liên minh.

Theo ông Bauer, trong khi Kyiv có quyền quyết định cách kết thúc xung đột, một trong các mục tiêu chính của NATO là bảo vệ chủ quyền của Ukraine. Về mặt ngắn hạn thì mục tiêu này nhằm đưa các đường biên giới về trạng thái như trong ngày 24.2, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

NATO cạn kiệt kho dự trữ vũ khí vì Ukraine
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.