EU, Nhật Bản chốt thỏa thuận thương mại trước thềm hội nghị G20

05/07/2017 11:53 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ tổ chức một hội nghị vào ngày 6.7 với kỳ vọng chốt thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa hai bên sau bốn năm đàm phán căng thẳng.

Theo AFP, thỏa thuận mang tính bước ngoặc sẽ đánh dấu thắng lợi lớn cho tự do thương mại chỉ vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ đứng lên bảo vệ lập trường bảo hộ “America First” của ông tại sự kiện này.
Hội nghị giữa EU và Nhật Bản sẽ tổ chức ở Brussels (Bỉ) ngay sau nhiều tuần đàm phán tại Tokyo (Nhật Bản), với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cả EU và Nhật Bản chiếm đến 28% tổng sản lượng kinh tế thế giới.
Ông Donald Tusk cho hay: “Hội nghị EU - Nhật Bản sẽ diễn ra ngày 6.7. Thỏa thuận thương mại công bằng, tự do và đầy tham vọng đang trên đường được thực hiện”. Một tuyên bố riêng cho biết: “Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ công bố thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do EU - Nhật Bản và thỏa thuận hợp tác chiến lược EU - Nhật Bản”.
Ở giai đoạn này, EU và Nhật Bản chỉ mong muốn đạt được “thỏa thuận chính trị” về hiệp định thương mại song vẫn sẽ bao hàm một số khía cạnh khó khăn nhất của hiệp định. Hiệp định hoàn chỉnh sẽ được chính thức ký cuối năm nay, theo kế hoạch của EU.
Thủ tướng Abe ở Tokyo cho hay thỏa thuận hiện chưa được hoàn tất. Ông cử Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đến Brussels để đàm phán vào ngày 5.7 để giải quyết những khác biệt cuối cùng giữa hai bên.
Trọng tâm của hiệp định thương mại trên là thỏa thuận để EU mở cửa thị trường cho ngành sản xuất ô tô hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Ngược lại, Tokyo sẽ loại bỏ rào cản với các sản phẩm nông nghiệp từ EU. Các dự án đầu tư gây tranh cãi đã và đang khiến các thỏa thuận thương mại bị phản đối ở những nước EU thì chưa được bàn đến.
Thỏa thuận EU - Nhật Bản được xem là sự khiêu khích với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia trong năm nay.
Nhà kinh tế kiêm Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu nhận định: “Rõ ràng, khi Mỹ thoát khỏi lập trường thương mại tự do lịch sử, nước này tạo ra cơ hội cho các nước khác. Nhật Bản từng hoãn thỏa thuận thương mại với EU khi các cuộc thảo luận TPP diễn ra”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.