Ứng xử bình tĩnh và tử tế
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, các cầu thủ đội tuyển Đan Mạch đã ôm nhau sung sướng và chia vui cùng cổ động viên trên khán đài sau chiến thắng 4-1 trước đội tuyển Nga ở EURO 2020. Với chiến thắng này, họ là đội đứng thứ 2 của bảng đấu và sẽ vào vòng 1/16 để gặp xứ Wales.
Nhưng câu chuyện đáng nói nhất về họ cho đến nay và có lẽ đến cuối mùa giải, vẫn là câu chuyện của đồng đội với Christian Eriksen, đội trưởng số 10 đã ngã quỵ gục trên sân bóng trong trận đấu với Phần Lan trước đó. Cả thế giới bàng hàng, nức nở, lo lắng khi Eriksen ngã quỵ xuống. Rồi cả thế giới xúc động trước cách ứng xử của những người đồng đội. Không những sơ cứu cho anh rất kịp thời, họ rơi nước mắt nhưng đứng xung quanh người đội trưởng của mình, che đi ống kính máy ảnh, máy quay để không có những hình ảnh đau đớn của Eriksen lọt ra ngoài.
Hành xử rất nhân văn ấy của những chàng trai xứ Bắc Âu đã nhận được sự thán phục của toàn thế giới. Người ta càng thán phục hơn với những đối thủ của họ. Trong trận đấu sau đó giữa Đan Mạch và Bỉ, những cầu thủ Bỉ đã hưởng ứng kêu gọi dừng trận đấu lại ở phút thứ 10 của trận đấu để tôn vinh Eriksen (số 10 là số áo của Eriksen). Cả sân bóng, bao gồm tất cả mọi người đã dừng lại ở giây phút đó để nhớ về một cầu thủ vừa ngã xuống trên sân cỏ trước đó. Romelu Lukaku, người bạn thân của Eriksen ở Inter Milan, là một trong những người xúc động nhất trong giây phút ấy ở EURO 2020.
Mặt khác, mọi người thán phục các cầu thủ Đan Mạch nhưng cũng nên khen ngợi những chàng trai Bắc Âu khác của đội tuyển Phần Lan. Sau sự cố của Eriksen, Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA) quyết định trận đấu vẫn tiếp tục diễn ra sau một thời gian gián đoạn. Kết quả là Phần Lan chiến thắng. Nhưng có thể thấy họ luôn điềm tĩnh và nhẹ nhàng từ lúc Eriksen ngã quỵ cũng như sau chiến thắng. Sau trận đấu, họ còn đứng vỗ tay động viên đối thủ sau sự cố đáng tiếc xảy ra.
|
Trong cuộc đời, chúng ta sẽ luôn có những thời điểm xảy ra sự cố như vậy trong công việc hay cuộc sống. Ứng xử bình tĩnh và văn minh là điều cần học và áp dụng trong những khoảnh khắc như vậy.
Sau trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tại EURO 2020, Nguyên Anh, chuyên viên truyền thông tại công ty Indochine Wellness - cựu du học sinh tại Phần Lan, chia sẻ: “Qua sự cố đó, cả thế giới được chứng kiến "góc khuất" tuyệt vời đằng sau sự khiêm tốn của các nước Bắc Âu (Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland...). Đó là cách ứng xử cực kỳ văn minh và lịch thiệp. Sống ở Phần Lan 5 năm, mình chứng kiến nhiều điều về sự bình tĩnh và tử tế đó của người Phần Lan nên không quá ngạc nhiên. Trong đời mình nhiều lần ngạc nhiên và tự hào khi kể về Phần Lan với các bạn bè nước khác. Dù đôi khi họ giữ khoảng cách đến mức làm người ngoài như mình lúc nào cũng thấy xa lạ, nhưng văn hoá Bắc Âu, văn hoá Scandinavian nằm ở một tầm khác biệt, trái ngược hoàn toàn với sự nồng hậu của châu Á và ngay cả các nước Tây Âu khác. Họ cư xử đẹp, tử tế, khiêm nhường và lạnh lùng. Sự bình tĩnh đến từ bản lĩnh "sisu" của những chiến binh đã quen với những biến động. Dường như những mùa đông khắc nghiệt, lịch sử Viking và nền giáo dục vượt bậc đã tôi luyện nên tinh thần thép và nền văn minh hiện đại của họ. Tất cả đã được cả thế giới công nhận qua trận bóng đáng nhớ vừa qua”.
Vượt lên mọi nghịch cảnh
Giữa một đội Ý đang có sức mạnh vượt trội ở EURO 2020, giữa những cầu thủ xuất sắc được nhớ nhiều như Insigne, Immobile, Locatelli, Veratti, Chiellini, Bonucci…, sẽ ít ai để ý đến một cầu thủ ở hàng phòng thủ như Francesco Acerbi. Vì Acerbi vẫn chỉ là người “trám chỗ" cho Chiellini sau khi đàn anh chấn thương trong trận đấu với Thuỵ Sĩ và vào sân trong trận đấu cuối khi đã chắc chắn vào vòng sau.
Nhưng câu chuyện về Acerbi là câu chuyện rất hay.
Ngày 30.5 mới đây, nghĩa là trước EURO 2020 ít ngày, tờ The Guardian (Anh) đăng tải bài viết “Francesco Acerbi: the "lion" who beat cancer to be a pillar in Italy’s defence” (Francesco Acerbi: “sư tử” đánh bại căn bệnh ung thư để trở thành trụ cột trong hàng thủ của Italia) nói rất nhiều về Acerbi với những thông tin ít người biết trước đó.
Francesco Acerbi sinh ngày 10.2.1988, tức là năm nay 33 tuổi anh mới có cơ hội tham dự một vòng chung kết EURO. Năm 14 tuổi, anh chơi cho Atletico Civesio, một đội bóng nhỏ, để chơi bóng nghiệp dư với bạn bè của mình. Ở tuổi 20, Acerbi đã tìm được một hợp đồng ở một đội bóng thi đấu giải hạng 4 của Ý. Năm 22 tuổi, anh thi đấu ở Serie B. Năm 23 tuổi, anh chơi trận đầu tiên ở Serie A cho Chievo.
Vào tháng 7.2013, trong một lần khám sức khỏe trước mùa giải, Acerbi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn. Khối u đã được cắt bỏ nhưng ngay sau đó lại xuất hiện trở lại, buộc Acerbi phải hóa trị trong ba tháng.
Francesco Acerbi phải nghỉ thi đấu và bắt đầu hóa trị để chống chọi với căn bệnh ung thư tinh hoàn vào đầu năm 2014. Thời điểm ấy, anh có một thói quen kỳ lạ và rất thiếu lành mạnh. Hoá trị vào buổi sáng khi xem TV, thỉnh thoảng nghỉ ngơi vào buổi chiều, đến câu lạc bộ vào ban đêm, đôi khi cuộc vui kéo dài đến tận 7 giờ sáng. Pizza với cá ngừ và hành tây là thói quen ăn uống của anh, bởi vì hoá trị khiến Acerbi không còn hứng thú với những hương vị tinh tế. “Đôi khi tôi không ăn, cũng không ngủ”, anh nói.
|
Một ngày nọ, một năm sau khi được chẩn đoán ung thư, Francesco tỉnh dậy vì sợ hãi. “Đột nhiên, tôi bắt đầu nghĩ về tất cả những mối quan tâm mà tôi đã dành cho cha mẹ tôi, tất cả những cơ hội lãng phí và những lần đến câu lạc bộ đêm. Sáng hôm đó tôi sợ cái bóng của chính mình. Tôi bắt đầu gặp một nhà trị liệu, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều”.
Một cuộc sống mới bắt đầu. Tất cả những buổi tối trước đó đã nhường chỗ cho một lối sống bình thường, tập luyện và những buổi tối yên tĩnh ở nhà. Không có rượu, chỉ có nước, rau, trái cây, gạo và bresaola (nạc đùi bò muối phơi khô). Từ tháng 10.2015 đến tháng 1.2019, Acerbi đã chơi 149 trận liên tiếp, gần với kỷ lục của Javier Zanetti là 162. Không nghỉ ngơi, không treo giò, không một chấn thương nào trong hơn 3 năm trời.
CLB Leicester (Anh) lúc đó đã gọi tên nhưng Acerbi nói “không”. Anh không vội vàng rời Sassuolo, một câu lạc bộ như gia đình luôn sát cánh bên anh. Acerbi bắt đầu dành hàng giờ cho những người tàn tật và trẻ em mắc bệnh ung thư. Hầu như vào sáng thứ năm hàng tuần, bạn có thể bắt gặp anh ấy mặc áo choàng đi làm, lắp ráp phao câu cá và nặn đất sét với những người lao động khuyết tật.
Năm 2018, Acerbi chuyển đến Lazio và trong vài tháng gần đây đã chơi bóng ở Champions League. Tuy nhiên, những ưu tiên của anh ấy vẫn không thay đổi. Ảnh đại diện WhatsApp của anh vẫn được giữ nguyên bằng ảnh chụp của anh và Elia - một cậu bé không qua khỏi căn bệnh ung thư. “Cậu ấy là sư tử của tôi. Cậu ấy đã qua đời khi chiến đấu” - Acerbi viết sau khi mất đi người bạn trẻ của mình.
Sư tử trở thành một biểu tượng đối với Acerbi. Anh xăm hình sư tử trên ngực và cánh tay phải của mình và lấy biệt danh "Leone", có nghĩa là "Sư tử" trong tiếng Ý.
Đấu tranh cho những điều cần đấu tranhTrong 2 trận đấu vừa qua của đội tuyển Đức EURO 2020, thủ môn Neuer luôn đeo chiếc băng đội trưởng đặc biệt. Chiếc băng màu cầu vồng, khác biệt hoàn toàn với chiếc băng thủ quân của tất cả các đội bóng.
Vì chiếc băng đặc biệt này trên tay, Neuer đã gặp rắc rối với UEFA. Theo tờ Goal.com, vài ngày trước đây, UEFA quyết định mở cuộc điều tra vì theo quy định, băng đội trưởng của các đội do UEFA cung cấp chính thức phải được đeo trong trận đấu. Chỉ đến ngày hôm qua, cuộc điều tra mới được tạm dừng với “lý do chính đáng".
Màu sắc trên chiếc băng thủ quân của Neuer là màu sắc tượng trưng cho cộng đồng LGBT+ (những người có giới tính đặc biệt). Không chỉ đeo nó trong 2 trận đấu vừa qua tại EURO 2020, Neuer còn đeo băng thủ quân này trong trận đấu giao hữu với Latvia trước giải. Anh đeo để ủng hộ Pride Month (tháng tự hào) của cộng đồng LGBT+. Năm nay, Pride Month được ấn định từ ngày 1 - 30.6.
Phát biểu về chuyện này, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) có tuyên bố vào ngày hôm qua: "Các quy định nêu rõ rằng băng đội trưởng do UEFA chính thức cung cấp phải được đeo. nhưng tháng 6 cũng là kỷ niệm một năm của “Pride in Sport" để ủng hộ sự đa dạng hơn (Được hỗ trợ bởi Ủy ban Châu Âu, Pride in Sport là một loạt các dự án và hành động nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử trong thể thao đối với cộng đồng LGBT - NV). Năm nay DFB đang tham gia ủng hộ với nhiều chiến dịch khác nhau. Manuel Neuer đã được đeo cầu vồng chiếc băng đội trưởng kể từ trận giao hữu với Latvia vào ngày 7.6 như một biểu tượng và cam kết rõ ràng của toàn đội đối với sự đa dạng, cởi mở và khoan dung cũng như chống lại sự thù hận và loại trừ. Thông điệp chúng tôi đưa ra: “Chúng ta là màu sắc!".
Ngôi sao của Đan Mạch và Chelsea là Pernille Harder cũng đã kêu gọi UEFA làm mạnh mẽ và không chuyển thêm các trận đấu tới Hungary sau khi chính phủ nước này ban hành luật chống cộng đồng LGBT+ mới trong những ngày vừa qua. Luật này cấm các trường phổ biến nội dung cổ vũ tình dục đồng giới và thay đổi giới tính.
Hình ảnh các biểu ngữ chống lại cộng đồng LGBT+ đã được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội trong trận Hungary thất bại trước Bồ Đào Nha vừa qua và UEFA thông báo đã chỉ định một điều tra viên để xem xét vấn đề này.
|
Bình luận (0)