Hoàn thiện lối chơi tấn công
Đến lúc này, tuyển Hà Lan đang là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất ở EURO 2020. Họ ghi được 8 bàn, sau đó tới Ý và Bỉ đều 7 bàn. Họ cũng đang sở hữu cầu thủ dẫn đầu danh sách vua phá lưới là Wijnaldum với 3 bàn. Bên cạnh đó là Depay, Dumfries đều ghi được 2 bàn. Cùng với nhạc trưởng De Jong ngày càng chững chạc ở khu vực giữa sân là những nhân tố đã tỏa sáng giúp Hà Lan giành chiến thắng trong các trận đấu gần đây.
Giá trị cốt lõi của bóng đá Hà Lan là tấn công và tấn công đẹp mắt. Ở EURO năm nay, Hà Lan đang làm rất tốt điều này. Tuy vẫn còn hơi non nớt, hơi ngây thơ, nhưng học trò của HLV Frank De Boer đang tiến bộ từng ngày. Quan trọng nhất là Hà Lan không bị áp lực về mặt thành tích. Họ là một đội bóng trẻ, với một nhà cầm quân trẻ đang trên con đường trở lại. Như chúng ta đã biết, trong bóng đá hiện đại sự thoải mái về mặt tâm lý, sự tự tin đôi khi lại mang lại sự khác biệt. Đặc biệt là đối với đội bóng trẻ và giàu tiềm năng như Hà Lan.
|
Sau 3 trận, tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của Hà Lan là 56%, có nghĩa là họ không cầm quá nhiều bóng, nhưng tỷ lệ trung bình số lần dứt điểm là 15,3 lần/trận, số lần dứt điểm trúng đích là 6 lần/trận và số bàn thắng là 2,66 bàn/trận. Đó thực sự là những con số quá ấn tượng về mặt tấn công.
Cần gì để có thể vô địch?
Đầu tiên, đó là bản lĩnh của đội bóng lớn. Hà Lan có thể là một đội bóng trẻ trung và đầy tham vọng, họ cũng đang trình diễn lối chơi tấn công hiện đại và đẹp mắt. Nhưng đâu đó, người ta vẫn thấy sự non nớt, vội vàng của đội bóng này trong các pha xử lý trên sân, trong việc kiểm soát trận đấu, trong việc điều chỉnh những thời điểm, những giai đoạn quan trọng của trận đấu. Tiêu biểu là hình ảnh của Depay. Anh được coi như là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công nhưng ít nhiều “số 10” của Hà Lan đã để lại sự thất vọng với những pha dứt điểm lên trời, những tình huống đá ra ngoài còn khó hơn đá vào khung thành nhưng anh vẫn làm được. Mỗi trận trung bình Depay sút 3,67 lần, rê dắt thành công 2,33 lần nhưng mới chỉ ghi được 2 bàn (1 bàn trên chấm phạt đền) và kiến tạo 1 bàn.
Thứ hai là sự điều chỉnh nhịp độ trận đấu. Chẳng hạn trận đấu với Ukraine, dù dẫn trước đối thủ 2-0 rất dễ dàng ở phút thứ 58, nhưng Hà Lan vẫn hồn nhiên tấn công và chỉ trong 5 phút (75 - 79) họ đã phải nhận đòn hồi mã thương của đối thủ. Nếu như đó là một trận đấu loại trực tiếp và gặp những đối thủ cứng cựa như Ý, Bỉ, Pháp, Đức thì sẽ như thế nào? Hay như cả trong chiến thắng 3-0 của Hà Lan trước Bắc Macedonia cũng đã có những thời điểm De Jong cùng đồng đội để mất thế trận.
Thứ ba là hàng phòng ngự chắc chắn. Hà Lan luôn chơi với sơ đồ 3-4-1-2, khi tấn công đôi cánh Dumfries và Van Aanholt luôn ở phần sân đối phương, De Jong thường xuyên lao lên phía trước, gần như ở phần sân nhà chỉ còn 3 trung vệ và tiền vệ trung tâm còn lại (De Roon hoặc Ryan). Chính vì vậy, dù Hà Lan luôn tấn công và làm chủ trận đấu nhưng khung thành của Maarten Stekelenburg cũng đã phải đối mặt với 29 pha dứt điểm sau 3 trận và thủ thành của Ajax đã phải trổ tài cứu thua tới 7 lần.
Phải công nhận là xem Hà Lan thi đấu rất thích mắt. Chẳng hạn như bàn thắng mở tỷ số của Depay trong trận đấu với Bắc Macedonia. Từ lúc trung vệ Blind cắt bóng đến lúc Depay ghi bàn thời gian chỉ là 12 giây và cũng chỉ có “số 10” của Hà Lan phối hợp với tài năng trẻ Malen bật tường trung lộ ghi bàn. Đó là một pha bóng mà Hà Lan tỏ ra “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Nhưng nếu nhìn lại một cách nghiêm túc thì cũng đã rất nhiều lần Hà Lan “chết trên ngưỡng cửa thiên đường”. Nghĩa là chơi hay, chơi đẹp, chơi đầy cống hiến và lãng mạn nhưng rồi vẫn bị loại bởi những trận thua đầy tức tưởi. Lần cuối cùng Hà Lan chơi đẹp mà vẫn vươn đến đỉnh cao là chức vô địch EURO 1988 với sự tỏa sáng của “bộ ba Hà Lan bay”: Van Basten - Rijkaard - Gullit. Còn gần đây nhất, khi tuyển Hà Lan giành ngôi á quân World Cup 2010 thì lại là một lối chơi xù xì và xấu xí với hình ảnh cú song phi của De Jong.
Bình luận (0)