SUÝT CÓ KỲ TÍCH 4 TRẬN CHUNG KẾT LIÊN TIẾP
Như mọi người đã biết, Liên Xô là nhà vô địch EURO đầu tiên (năm 1960). Kỳ thực, không có đội bóng nào thật sự thống trị đấu trường EURO trong thời kỳ đầu, vì nhiều lẽ. Một mặt, bóng đá châu Âu đồng đều hơn so với mọi châu lục khác. Vả lại, tính ngẫu nhiên khi nào cũng cao khi người ta thi đấu theo thể thức loại trực tiếp và VCK chỉ có 4 đội. Mặt khác, trong thời kỳ chưa có internet, thậm chí truyền hình bóng đá cũng chưa thật sự phổ biến, các đội đều không biết rõ về nhau. "Thế hệ vàng" của bóng đá Liên Xô trong các thập niên 1960 - 1970 đều thi đấu trong nước và ít ai hiểu rõ về họ (để chuẩn bị đối phó). Nhìn chung, Liên Xô là đội bóng thành công nhất trong thời kỳ đầu của đấu trường EURO, và đấy cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của nền bóng đá này.
Khi UEFA họp quyết định về việc tổ chức EURO vào năm 1957 thì Ý, Anh và Đức đều bỏ phiếu chống (với lý do hoài nghi khả năng tổ chức thành công). Tất nhiên, các đội tuyển này đều không tham gia vòng loại EURO 1960. Hy vọng thành công càng mở rộng cho các đội bóng còn lại. Cần nhớ: trong 5 kỳ World Cup diễn ra trước khi UEFA quyết định tổ chức EURO, thì đã có đến 3 lần chức vô địch thế giới thuộc về Ý và Đức, trong đó Đức chính là đội ĐKVĐ World Cup ở thời điểm 1957. Khi EURO "vào việc" thì lại đến lượt Tây Ban Nha rút tên, do nhà độc tài Franco cấm đội tuyển này đến Moscow thi đấu (ở vòng loại). Với Real Madrid 5 lần liên tiếp đoạt Cúp C1 châu Âu, và 3 ngôi sao hàng đầu châu Âu lúc bấy giờ là Alfredo Di Stefano, Francisco Gento, Luis Suarez, Tây Ban Nha dĩ nhiên cũng là một đội bóng lớn. Bốn năm sau đó, Franco quyết định kiểu khác: không dùng chính trị can thiệp bóng đá nữa, và Tây Ban Nha vô địch EURO 1964, thắng Liên Xô trên sân nhà.
Sau chức vô địch EURO 1960 và danh hiệu á quân EURO 1964 thì Liên Xô lại trở thành đội tuyển đầu tiên 3 lần đá trận chung kết EURO vào năm 1972. Ở trận bán kết EURO 1968 thì Liên Xô hòa Ý, nhưng bị loại một cách hoàn toàn ngẫu nhiên (tung đồng xu xem đội nào được vào chung kết). Tóm lại, Liên Xô là đội duy nhất luôn góp mặt ở VCK của 4 kỳ EURO đầu tiên, và nếu vấn đề may rủi thuần túy bị đảo ngược vào năm 1968 thì Liên Xô đã có kỷ lục không thể tưởng tượng: đá trận chung kết 4 lần liên tiếp. Thời ấy, chỉ có Hungary và Nam Tư góp mặt 2 lần ở VCK (đều không vô địch). Các đội còn lại thì chỉ xuất hiện 1 lần hoặc vắng bóng ở VCK trong 4 kỳ EURO đầu tiên. Xen kẽ với các kỳ EURO ấy, Liên Xô cũng đã lọt vào tứ kết World Cup 1958, 1962, 1970 và bán kết World Cup 1966.
HUYỀN THOẠI LEV YASHIN
Nổi tiếng nhất trong thời kỳ hoàng kim ấy của bóng đá Liên Xô dĩ nhiên là huyền thoại Lev Yashin - thủ môn duy nhất trong lịch sử đoạt được giải thưởng danh giá "Quả bóng vàng châu Âu" (năm 1963). Trong thời kỳ mà hầu hết thủ môn trên khắp thế giới chỉ làm mỗi việc bắt bóng (bay lượn càng đẹp càng được khen ngợi) hoặc cản phá cú sút của đối phương, thì Yashin đã thường xuyên chỉ huy hàng thủ và chơi bóng bằng chân. Ông di chuyển để chọn vị trí tối ưu, sẵn sàng lao ra khỏi vùng cấm địa để làm chủ tình huống, phát bóng bằng tay để đảm bảo bóng sẽ thuộc về đội mình trong tình huống tiếp theo. Đại khái, đấy đều là cách chơi bóng của các thủ môn giỏi ngày nay. Có nghĩa, Yashin đi trước thời đại đến vài chục năm.
Mặt khác, Yashin có lối chơi như thế, nhưng khả năng bắt bóng của ông thì vẫn là "vô đối". Theo sách báo ghi lại thì Yashin đã cứu được ít nhất 4 bàn thua rõ ràng trong trận chung kết EURO 1960 với Nam Tư. Vua bóng đá Pele từng nói: "Tôi nghe người ta nói rằng đội nào có Pele đá chính thì coi như đã hơn đối phương 1 bàn. Còn đội nào có Yashin bắt chính thì coi như đã hơn đối phương 2 bàn". FIFA dùng tên Yashin để đặt tên cho giải thưởng thủ môn hay nhất World Cup. France Football (chủ giải "Quả bóng vàng") dùng tên Yashin để đặt tên cho giải thưởng thủ môn hay nhất hằng năm.
Điều thú vị là: Yashin có bước khởi đầu không mấy thành công ở CLB Dynamo Moscow. Do ít được bắt chính, ông chủ yếu giữ gôn cho đội… khúc côn cầu trên băng của CLB này (từng đoạt cúp quốc gia). Ngoài Yashin, đội hình Liên Xô trong thập niên 1960 còn có hai trong số những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá nước này là Valentin Ivanov và Igor Netto. (còn tiếp)
Các đội ấy, nay không còn nữa
Trận chung kết đầu tiên trong lịch sử EURO (Liên Xô - Nam Tư) diễn ra giữa hai đội bóng mà bây giờ đều… không còn tồn tại. Không có giải đấu lớn nào khác có hiện tượng này. Trong giai đoạn mà mỗi VCK đều chỉ có 4 đội thì bóng đá Đông Âu luôn có ít nhất 2 đại diện góp mặt, riêng giải đầu tiên là 3 đội. Tổng cộng, bóng đá Đông Âu chiếm hơn nửa (11/20) số vé dự VCK ở 5 kỳ EURO đầu tiên.
Rút cuộc thì 3 đội tuyển hùng mạnh của bóng đá Đông Âu thời ấy là Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc đều đã tan rã. Bây giờ họ chia thành 23 đội bóng khác nhau. CH Czech (năm 1996) là đội duy nhất trong 23 đội ấy từng tiến đến trận chung kết EURO.
Bình luận (0)