EVFTA không phải là cứu cánh, những ưu đãi chỉ là yếu tố hỗ trợ…

31/07/2020 15:26 GMT+7

Nội dung trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại diễn đàn trực tuyến thương mại và công nghiệp về EVFTA được tổ chức sáng nay (31.7), kết nối với 27 điểm cầu và 14 thương vụ Việt Nam tại EU.

Diễn đàn trực tuyến thương mại và công nghiệp về EVFTA do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại VN (Eurocham) tổ chức, chuẩn bị ngày mai (1.8) Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nên diễn đàn ban đầu dự kiến tổ chức tại TP.HCM phải chuyển sang làm trực tuyến với chủ đề “Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững”, được kết nối đến 27 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM và 14 thương vụ các nước tại châu Âu.

Diễn đàn tại đầu cầu TP.HCM

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định việc EVFTA được thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường khá phức tạp, khó lường, cơ hội lớn, áp lực cũng không nhỏ. Ông nói, sự xuất hiện của dịch Covid-19 từ đầu năm nay đã tác động mạnh lên kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn cầu, gây ra những tổn thất nặng nề, làm gián đoạn, xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 5,8 - 8,8 tỉ USD (tương đương 6,4 - 9,7% GDP toàn cầu). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức -4,9%, Mỹ -8%, EU -10,2% và Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1% năm 2020. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu năm nay suy giảm 5,2%, trong đó kinh tế các nước phát triển giảm 7% và các thị trường mới nổi và đang phát triển giảm 3%.
Riêng với thị trường EU, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong 2 quý đầu năm nay giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2019, với kim ngạch khoảng 16,41 tỉ USD. Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ, ban, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và khuyến khích những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng sớm kết nối đối tác ở EU để phát triển xuất khẩu.

Đại diện EuroCham phát biểu tại Diễn đàn đầu cầu TP.HCM

Trong khuôn khổ diễn đàn, Phó Chủ tịch EuroCham, ông Jean-Jacques Bouflet đã công bố báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI). Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Trao đổi tại sự kiện, nhiều chuyên gia, khách mời trong và nước ngoài đã bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, nhưng khẳng định EVFTA không phải là cứu cánh, những ưu đãi của Hiệp định là “yếu tố hỗ trợ”, quan trọng là nội lực doanh nghiệp phải có với quyết tâm đổi mới chính mình…
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN; đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.