Thông tin này được lãnh đạo EVN cho biết tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện" do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay 8.4.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho hay hiện nay với 77.000 MW công suất đặt trong khi thời điểm cao nhất hệ thống điện cần 44.000 MW “thì dự phòng công suất thô vẫn trên 30% - là mức khá cao”.
“Nhưng vẫn có nguy cơ thiếu điện. Bởi thời kỳ 2016 - 2020 có khoảng 10 dự án nguồn điện quy mô lớn chậm tiến độ, khiến hệ thống điện giai đoạn này thiếu công suất nguồn khoảng 7.000 MW”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, nhu cầu điện theo phương án cơ sở sẽ tăng trưởng khoảng 8,7% trong năm 2022.
"Để dự phòng cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành điện cũng đã tính toán nhu cầu điện theo phương án cao sẽ tăng trưởng khoảng 11,5% trong năm 2022 và bình quân khoảng 10,36%/năm trong giai đoạn 2023 - 2025. Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc, dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Trong khi đó, việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500 kV", ông Phương thông tin.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), cho biết thêm, vào cuối mùa khô này, hệ thống có thể thiếu khoảng 2.000 MW điện, chủ yếu cục bộ ở khu vực phía bắc do nhu cầu điện ở đây tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước, trong khi các dự án nguồn chậm chủ yếu ở phía bắc.
Ông Nguyễn Tài Anh giải thích thêm, dù công suất đặt hiện 77.000 MW nhưng tỷ lệ năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng cũng khiến cho cơ cấu nguồn điện hợp lý là bài toán thách thức.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, tại hội thảo |
chí hiếu |
“Nếu phụ tải đỉnh 44.000 MW thì cũng phải cần khoảng 15.000 MW để dự phòng luôn sẵn sàng. Tức khi đó công suất khả dụng toàn hệ thống cần khoảng trên 55.000 MW. Nhưng 1 MW điện than, khí thì không thể "đổi ngang" bằng 1 MW điện gió hay mặt trời vì điện than, khí mỗi năm có thể chạy 8.000 giờ thì điện mặt trời chỉ 1.500 giờ còn điện gió cao nhất khoảng 3.000 giờ. Bằng chứng là dù công suất đặt của điện gió hiện 4.000 MW nhưng từ đầu năm đến nay nhiều thời điểm huy động cũng chỉ được 10%, khoảng 400 MW”, ông Anh nói.
Dù vậy, đại diện EVN lẫn A0 đều cho biết “sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo đủ điện cho hệ thống”.
Cùng với đó, Phó tổng giám đốc EVN cho biết EVN cam kết với Chính phủ sẽ không tăng giá điện, dù có thể năm nay lợi nhuận tập đoàn bằng 0, khi mà các chi phí nguyên nhiêu liệu đã tăng cao.
Cụ thể, giá than trong 1 năm qua đã tăng gần 3 lần, từ 70 USD/tấn lên mức hiện quanh 220 USD/tấn. Giá khí cũng tương tự khi tăng từ 6 lên mức 18 USD/BTU.
“Chúng tôi vừa làm việc với Điện lực Singapore xong. Dù giá điện của họ hiện ở mức 26 cent/kWh nhưng họ cho hay sẽ phải tăng giá điện thêm 30%. Chúng tôi thì cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 song rõ ràng cân đối đầu vào và bán điện đang hết sức khó khăn. Tập đoàn cũng đang trông chờ sự chỉ đạo, quan tâm của Chính phủ để làm sao chúng ta giữ giá điện ở mức nền kinh tế chịu đựng được”, ông Anh nói thêm.
Bình luận (0)