EVN kiến nghị triển khai thêm các nguồn điện mới

26/10/2024 08:33 GMT+7

"Nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, EVN rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện", báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu.

Báo cáo về các dự án điện trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN cho biết, hiện tập đoàn đang triển khai 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.793 MW.

Không chỉ ít dự án đang đầu tư, ở khối dự án chuẩn bị đầu tư theo EVN cũng không có nhiều trong khi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân dân.

Thế nhưng, đến nay, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN chiếm 38% (31.360 MW) trong tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống.

EVN kiến nghị triển khai thêm các nguồn điện mới- Ảnh 1.

Lo nguy cơ thiếu điện, EVN kiến nghị Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Quy hoạch điện 8, với các nguồn điện EVN được giao làm chủ đầu tư (10 dự án có tổng công suất 6.793 MW), đến năm 2030, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên chỉ còn chiếm khoảng 25,4% tổng công suất nguồn của hệ thống điện, trong đó EVN quản lý trực tiếp chiếm chỉ khoảng 13,4%.

Thế nên, Tập đoàn này rất lo lắng nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, vì rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện.

Ngoài ra, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đến nay đạt khoảng 80.900 MW, song do cơ cấu nguồn điện phân bố không đồng đều, nên khu vực miền Bắc hiện không tự cân đối cung - cầu nội miền.

EVN kiến nghị triển khai thêm các nguồn điện mới- Ảnh 2.

EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, giúp tải điện từ miền Trung ra Bắc

ẢNH: EVNSPC

"EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, nhưng năng lực truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc cũng chỉ tăng thêm khoảng 3.000 MW. Như vậy, chỉ có thể cơ bản đáp ứng được mức độ tăng trưởng phụ tải của miền Bắc trong 1 - 2 năm. Đó là chưa kể, khu vực miền Trung cũng phải có dư thừa điện để chuyển ra thì đường dây mới phát huy được hiệu quả", EVN cho biết.

EVN nhận định, việc cung ứng điện trong các năm tới là hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) và có nguy cơ thiếu hụt điện năng nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện 8 không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.