Đó là chia sẻ từ ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh (EVN), khi thông tin về tình hình cung cấp điện tại Hội nghị tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng, do Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo (ERAVCTED) và EVN phối hợp tổ chức ngày 18.8, tại Hà Nội.
Theo ông Trần Viết Nguyên, 7 tháng năm nay, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỉ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 3 tháng đầu năm, cung ứng điện đảm bảo (phụ tải thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022), nhưng từ tháng 5, thời tiết nắng nóng khiến phụ tải tăng cao.
Đặc biệt, ngày 19.5, phụ tải lập kỷ lục mới với 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ 2022; công suất tiêu thụ cực đại 43.300 MW, tăng 9,12% so với cùng kỳ 2022.
Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, nguồn nhiệt điện than gặp nhiều sự cố, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than. Hệ thống điện miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải ở miền Bắc để đảm bảo an toàn hệ thống điện. Hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm và phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh.
Dự báo 5 tháng cuối năm, cung ứng điện tăng 9,9% và lũy kế cả năm tăng 5,3% so với năm 2022; EVN khẳng định đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, EVN bày tỏ lo ngại miền Bắc sẽ lặp lại tình trạng thiếu điện ở một số thời điểm trong mùa nắng nóng 2024.
Theo dự báo của EVN, phụ tải tiếp tục tăng cao bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 là 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW, đều tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam.
Còn tại miền Bắc, công suất dự phòng của hệ thống điện thấp, trong khi nhu cầu điện tăng trưởng 10%/năm nên sẽ thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm (tháng 6 - tháng 7), mùa nắng nóng 2024 sẽ thiếu 420 - 1.770 MW.
Tiết kiệm để không thiếu điện
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) ghi nhận từ đầu tháng 8 đến nay, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc, miền Nam đều tốt và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, ở miền Bắc, một số hồ như Bản Chát, lưu lượng nước về cao hơn 257%, hồ Bản Vẽ cao hơn 254% so với trung bình nhiều năm.
Các nhà máy thủy điện miền Bắc đang được huy động khai thác tối ưu theo tình hình thủy văn thực tế và đảm bảo dung tích phòng lũ. Còn tại miền Trung và miền Nam đang huy động tối ưu thủy điện để đảm bảo cung ứng điện trong những tháng cuối năm.
Cũng theo ông Trần Viết Nguyên, thực tế trong bối cảnh thiếu điện vừa qua, khách hàng sử dụng điện (phía cầu) có vai trò rất quan trọng nếu sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.
Khi Bộ Công thương phát động tiết kiệm điện, EVN thống kê từ ngày 17.5 - 16.6, cả nước tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). Sản lượng điện tiết kiệm này đã góp phần tích cực trong đảm bảo cân bằng cung - cầu điện.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), lưu ý miền Bắc vừa qua đối mặt với thực trạng thiếu điện nghiêm trọng, không loại trừ tình huống cực đoan này có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.
Ông Trịnh Quốc Vũ kêu gọi các đơn vị sẵn sàng triển khai các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện thường xuyên và liên tục, đặc biệt trong cao điểm mùa nắng nóng. Trong đó, ông Vũ nhấn mạnh phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, các doanh nghiệp... chủ động thực hành tiết kiệm điện.
Bình luận (0)