EVN nói lý do thừa điện tái tạo vẫn nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

07/06/2023 14:15 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, chưa tới 1,3% sản lượng toàn quốc; việc nhập khẩu cũng thực hiện từ lâu chứ không phải tới nay mới nhập.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân vừa có văn bản giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội liên quan tình hình sản xuất, kinh doanh của EVN được nêu tại các phiên thảo luận Quốc hội 2 tuần vừa qua.

Không hẳn là thiếu mới nhập điện từ Lào, Trung Quốc

Về lý do tại sao nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc mà không mua điện gió, điện mặt trời, EVN cho biết, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, chưa tới 1,3% sản lượng toàn quốc.

"Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau", văn bản của EVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay.

EVN nói lý do thừa điện gió, mặt trời vẫn nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc - Ảnh 1.

EVN giải trình các vấn đề liên quan tới sản xuất, kinh doanh điện được các đại biểu Quốc hội nêu

GIA HÂN

Ngược lại, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. 

Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật, để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Văn bản của EVN cho biết tập đoàn này đã tập trung cao nhất vào việc đàm phán, thống nhất giá tạm, báo cáo Bộ Công thương phê duyệt để nhanh chóng đưa các dự án đã hoàn thành xây dựng vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.

Đến ngày 31.5, có 50 dự án với tổng công suất 2751,661 MW, chủ đầu tư đề nghị giá điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình. Trong đó, EVN đã trình Bộ Công thương và được Bộ Công thương phê duyệt 40 dự án với tổng công suất là 2368,7 MW.

Trong đó, có 7 dự án với tổng công suất 430,22 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại và phát điện lên lưới. Các dự án còn lại đang hoàn tất chương trình thử nghiệm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

EVN lỗ 26.000 tỉ đồng do bán điện dưới giá thành mua điện

Về khoản lỗ 26.000 tỉ đồng của EVN trong năm 2022, văn bản của EVN khẳng định báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN được lập theo đúng quy định, đã được kiểm toán, kiểm tra.

Giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh. Trong khi đó, giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối, bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đồng/kWh.

Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện năm 2022, EVN lỗ 149,53 đồng/kWh, làm EVN lỗ sản xuất, kinh doanh điện là 36.294 tỉ đồng năm 2022.

Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới sản xuất, kinh doanh điện là 10.058,36 tỉ đồng nên số lỗ tổng hợp sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVN là 26.235 tỉ đồng.

Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, giá thành mua điện từ các nhà máy điện năm 2022 tăng là do các thông số đầu vào khâu phát điện như giá nhiên liệu than, dầu, khí tăng đột biến so với các năm trước.

Vì sao công ty con EVN gửi hàng chục nghìn tỉ đồng trong ngân hàng?

Liên quan việc EVN xin tăng giá điện nhưng loạt công ty con đưa hàng chục nghìn tỉ đồng gửi ngân hàng mà báo chí phản ánh, văn bản của EVN cho rằng, số tiền gửi mà báo chí phản ánh cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỉ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty điện lực.

Theo EVN, chưa nói đến các khoản dư nợ dài hạn, chỉ xét riêng các khoản dư nợ ngắn hạn trên thì rõ ràng số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao nên đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong thời gian tới.

Ngoài ra, số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau, theo các hợp đồng đã ký kết để đầu tư hệ thống phân phối, bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện.

Về nhân viên theo dõi chỉ số công tơ, văn bản của EVN cho hay, đến nay, 80,26% hệ thống đo đếm và ghi chỉ số điện đã được điện tử hóa.

Tổng số công tơ cơ khí trên toàn quốc hiện cần nhân viên đo ghi thủ công là trên 6 triệu công tơ. Theo lộ trình, tới năm 2025 toàn bộ số công tơ cơ khí này sẽ được thay thế bằng công tơ điện tử đo xa.

Hiện, toàn tập đoàn có 2.242 nhân viên thực hiện việc các công việc này, tương ứng 2,32% số lượng cán bộ, công nhân viên toàn tập đoàn (96.677 cán bộ, công nhân viên).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.