Giá điện bình quân giảm 1% thì giảm giá, tăng 3% thì tăng giá
Theo Bộ Công thương, dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ quy định nguyên tắc điều chỉnh giá điện bình quân và quyền tự quyết của EVN trong các trường hợp cụ thể.
Cụ thể, hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm của EVN thì giá bán điện bình quân sẽ được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).
Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
EVN ủng hộ điều chỉnh tăng giá điện 3 tháng/lần
3 cơ quan giám sát quyết định tăng giá điện của EVN
Dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đồng thời quy định Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là những cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ quyết định tăng giá điện của EVN.
Trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)