88 sự cố nhiệt điện than trong 5 tháng
Chia sẻ với Thanh Niên ngày 14.7, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, đến ngày 14.7, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than ở miền Bắc cơ bản dự trữ đủ than cho sản xuất điện, chỉ có 2 nhà máy có lượng than tồn kho dưới 3 ngày gồm NMNĐ Na Dương (0,7 ngày) và NMNĐ Cao Ngạn (2,5 ngày).
Trong khi đó, tổng công suất huy động ở nhiều sự cố nhiệt điện than dài ngày chưa được khắc phục lên tới 1.440 MW. Cụ thể là các sự cố tại tổ máy S6, NMNĐ Phả Lại 2 với công suất 300 MW; tổ máy S2, NMNĐ Cẩm Phả 300 MW; tổ máy S1, NMNĐ Vũng Áng 600 MW. NMNĐ Phả Lại 1 cũng có một sự cố dài ngày với công suất 240 MW.
Đáng lưu ý, đây cũng là những sự cố nhiệt điện than đã được nêu trong kết luận thanh tra về công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện của EVN giai đoạn 2021 - 2023, đã được Bộ Công thương công bố trong ngày 12.7.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ sự cố các tổ máy phát điện kéo dài gây ảnh hưởng đến cung cấp điện, gồm: tổ máy S2 (300 MW), NMNĐ Cẩm Phả (sự cố từ ngày 21.6.2022); tổ máy S1 (600 MW) NMNĐ Vũng Áng 1 (sự cố từ ngày 19.9.2021); tổ máy S6 (300 MW) NMNĐ Phả Lại 2 (sự cố từ ngày 16.3.2021).
Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc đã xảy ra 88 sự cố tổ máy ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống điện miền Bắc. Tổng số sự cố tổ máy các nhà máy điện thuộc quản lý của EVN và các tổng công ty phát điện (GENCO) chiếm tỷ lệ 51,1% (45/88 sự cố). Trong đó, tại khu vực miền Bắc, số tổ máy của EVN và các GENCO gặp sự cố là 26/50, chiếm tỷ lệ 52% tổng số tổ máy.
Thanh tra Bộ Công thương khẳng định, việc xử lý sự cố, khôi phục vận hành lại các tổ máy còn chậm và kéo dài gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc trong giai đoạn cao điểm tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Yêu cầu kiểm điểm, xử lý cá nhân, tập thể liên quan
Theo Thanh tra Bộ Công thương, đối với sự cố tổ máy S6 (300 MW) NMNĐ Phả Lại 2 kéo dài từ ngày 16.3.2021, đã thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Công thương và tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân sự cố, kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đến ngày 11.10.2021, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN và Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2) về việc khẩn trương khắc phục sự cố tổ máy S6. NMNĐ Phả Lại 2 đã chủ động trong việc khắc phục sự cố, sửa chữa nhưng quá trình khắc phục sự cố chậm và kéo dài.
Đối với sự cố tổ máy S1 (600 MW) NMNĐ Vũng Áng 1 kéo dài từ ngày 19.9.2021, đã thực hiện chế độ báo cáo sự cố theo quy định của Bộ Công thương. Theo đó, ngày 11.10.2021, Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo PVN và Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) về việc khẩn trương khắc phục sự cố tổ máy S1. Nhưng đến nay, sự cố ở tổ máy S1 vẫn chưa làm rõ được chính xác nguyên nhân; chưa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Đối với sự cố tổ máy S2 (300 MW) NMNĐ Cẩm Phả kéo dài từ ngày 21.6.2022 nhưng chưa thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Công thương. NMNĐ Cẩm Phả đã tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân sự cố; kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ Công thương đã có chỉ đạo đối với Tổng công ty Điện lực TKV (TKV) và NMNĐ Cẩm Phả về việc khắc phục, xử lý sự cố này. Phía NMNĐ Cẩm Phả đã chủ động trong việc khắc phục sự cố, sửa chữa nhưng đến thời điểm thanh tra và cập nhật đến thời điểm hiện nay, tổ máy S2 vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa.
Thanh tra Bộ Công thương yêu cầu EVN, TKV, PVN chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đơn vị thành viên và những cá nhân, tập thể có liên quan đến các sự cố nhiệt điện than đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.
Bình luận (0)