Cả hai máy bay đều hạ cánh một cách an toàn và không có phi công nào bị thương trong vụ việc, theo thông tin của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ về sự cố hôm 13.7.
Tuy nhiên, cú sét đã khiến hai chiếc F-35B bị hư hại nghiêm trọng ở cấp độ A. Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất, sử dụng cho các trường hợp máy bay hứng chịu tổn thất ít nhất 2,5 triệu USD, hoặc gây tử vong và tổn thương vĩnh viễn về nhân mạng.
“Sau khi tiến hành các thủ tục báo cáo và đánh giá theo tiêu chuẩn của lực lượng, chúng tôi xác định sự cố của 2 chiếc F-35B liên quan đến thời tiết được xếp vào cấp độ A, do chi phí sửa chữa vượt mức 2,5 triệu USD”, theo Đại úy Marco A. Valenzuela, người phát ngôn của Không đoàn thủy quân lục chiến số 12 của Mỹ.
Dòng tiêm kích F-35A, phiên bản cất cánh theo cách truyền thống, liên tục bị cấm bay trong điều kiện khu vực xảy ra giông bão vì sự cố liên quan đến hệ thống tạo khí trơ trên khoang (OBIGGS).
OBIGGS bơm khí giàu nitơ vào hệ thống nhiên liệu của máy bay, thay thế ôxy, vì thế ngăn chặn nguy cơ tiêm kích bị cháy nổ trong trường hợp trúng sét. Tuy nhiên, sự cố xảy ra đối với OBIGGS đã khiến Lầu Năm Góc vào tháng 6 năm ngoái hạn chế bay F-35A trong vùng có sét.
Phiên bản cất cánh thẳng đứng F-35B được trang bị hệ thống OBIGGS với thiết kế khác, cho phép tránh được lỗi như F-35A mắc phải. Chưa rõ tại sao 2 chiếc F-35B của lực lượng lính thủy đánh bộ tại căn cứ Nhật Bản lại xảy ra tình trạng trên.
Bình luận (0)