Theo thống kê từ các địa phương, cơ sở giáo dục báo cáo về Bộ GD-ĐT, từ đợt dịch thứ 4 (tháng 4.2021) đến nay, cả nước có 860.062 ca F0 là cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS), sinh viên (SV). Trong đó, cán bộ, GV là 96.931 ca và HS SV là 763.131 ca. Hiện số ca F0 đang điều trị là 137.949 ca (trong đó cán bộ, GV là 12.644 ca và HS, SV là 125.305 ca)
Phải chấp nhận sẽ có F0, F1 khi mở cửa trường
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Ngô Thị Minh chia sẻ: Khi mở cửa trường học trên quan điểm “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, chúng ta phải chấp nhận sẽ có ca F0, F1 lây nhiễm trong trường học. Nhà trường, GV và phụ huynh HS cần bình tĩnh, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang.
Phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường và ngành y tế địa phương để xử lý các tình huống phát sinh theo đúng quy trình và linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp với sự phức tạp của dịch bệnh. Các trường học cần thực hiện thường xuyên, nghiêm túc quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp; có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh HS và y tế địa phương để theo dõi sức khỏe của HS, GV, chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa để giảm lây nhiễm khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp.
Học sinh đến trường trong bối cảnh các ca F0 tăng mạnh trong trường học |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Bà Minh cũng cho rằng sau một thời gian dài do dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ, kế hoạch năm học. Tuy nhiên, nếu kéo dài việc dạy học trực tuyến, học trên truyền hình thì tác động tiêu cực sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.
Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng HS từ 12 đến dưới 18 tuổi (mũi 1 đạt 98,8%, mũi 2 đạt 94%); kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa đã được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa HS quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
“Bộ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, TP để theo dõi, đánh giá tình hình, chỉ đạo các cơ sở giáo dục căn cứ diễn biến của dịch bệnh tại địa phương, số ca F0, F1 trong GV, HS để linh hoạt chuyển đổi các hình thức dạy học”, bà Minh khẳng định.
Bản tin Covid-19 ngày 12.3: Cả nước thêm 454.212 ca | Hà Nội vượt TP.HCM về tổng số ca nhiễm |
Sẽ có hướng dẫn về chế độ làm việc cho GV
Từ khi mở cửa trường đến nay, do số F0 tăng cao, hầu hết GV phải “quay cuồng” dạy cả trực tiếp và trực tuyến; không ít thầy cô là F0 đang điều trị nhưng vẫn tham gia “đứng lớp” dạy trực tuyến.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ: “Bộ ghi nhận và rất chia sẻ với khó khăn, vất vả của GV dạy học trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều thầy cô là F0 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ vẫn cố gắng tham gia giảng dạy trực tuyến cho HS để các em không bị gián đoạn việc học, thể hiện lòng yêu nghề và trách nhiệm rất cao với công việc được giao, được xã hội, phụ huynh HS, các cấp quản lý ghi nhận, biểu dương”.
Đáng chú ý, bà Minh khẳng định: “Về phía Bộ, chúng tôi đang tiếp tục tiến hành rà soát, bổ sung hướng dẫn cụ thể hơn về chế độ làm việc của GV trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó tính đến cả các trường hợp thầy cô phải kiêm cả dạy trực tiếp và trực tuyến để có hướng dẫn thực hiện phù hợp”.
Trẻ mầm non, học sinh chưa tiêm vắc xin, trở lại trường ra sao ?
Câu hỏi đặt ra là lứa tuổi chưa tiêm vắc xin, trong đó có trẻ mầm non thì việc trở lại trường sẽ được tiến hành ra sao? Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: “Chủ trương mở cửa trường học để tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp được chỉ đạo đồng bộ, thống nhất ở tất cả các địa phương, các cấp học, trình độ đào tạo, trong đó kể cả trẻ em đã được tiêm hay chưa được tiêm vắc xin cũng cần được đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch”.
TP.HCM phát hiện hơn 17.000 ca Covid-19 ở trường học trong gần 1 tháng |
Theo bà Minh, đối với trẻ em mầm non, HS tiểu học chưa được tiêm vắc xin cần phải đặc biệt quan tâm và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, trong đó phải đề cao mạnh mẽ vai trò phối hợp đảm bảo an toàn cho trẻ của các bậc phụ huynh. Đối với trẻ em mầm non, ngoài hướng dẫn, quy định chung cho các cấp học, Bộ đã ban hành công văn về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện phù hợp với đặc thù của cấp học.
“Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, thực hiện ngay sau khi nhập khẩu nguồn vắc xin (dự kiến bắt đầu từ tháng 3.2022)”, bà Minh nói.
Bình luận (0)