F0 trong trường học tăng: Dạy học, thi cử sẽ ra sao?

25/02/2022 06:00 GMT+7

Dù nỗ lực mở cửa trường nhưng F0 trong trường học tăng đã khiến kế hoạch dạy học phải thay đổi liên tục, dẫn đến việc thi cử và khung thời gian năm học cũng phải có nhiều kịch bản, tình huống khác nhau.


Lớp học chỉ có 1 học sinh, 1 giáo viên tại Trường tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Lê tùng

Trường học quay cuồng tìm cách ứng phó

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong tuần qua số học sinh (HS) đi học trực tiếp có sự giảm sút. Cụ thể, những ngày đầu, HS khối THPT đi học với tỷ lệ trên 90%, riêng tuần qua thì giảm xuống 75,4%; HS khối THCS đến trường còn 77,02%; HS khối tiểu học ở các huyện đến trường giảm còn 79%.

Ghi nhận thực tế, có những trường đã phải chấp nhận chuyển toàn bộ sang hình thức dạy học trực tuyến. Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thông báo: do nhiều HS và giáo viên (GV) đang phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly, để đảm bảo sức khỏe, an toàn, ban giám hiệu nhà trường quyết định cho HS các khối từ 7 đến 12 trở lại học trực tuyến tại nhà từ ngày 24.2 cho đến khi có thông báo mới.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lomonoxop (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), thông tin mỗi khối của trường có một lớp dạy học trực tuyến dành cho HS F0, F1 nhưng với tình hình F0 tăng nhanh, nhà trường có thể sẽ phải tăng tối đa lên mỗi khối có 3 lớp học trực tuyến. Một số trường tư thục khác như Nguyễn Siêu, THPT FPT đã chọn một cách dễ nhất là chưa tổ chức cho HS trở lại trường sau khi có “lệnh” của UBND TP.

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho hay chỉ sau 1 tuần đi học lại, do số HS là F0, F1 tăng, GV cũng có trường hợp là F0 nên nhà trường đã phải chuyển phương án tổ chức các lớp học “2 trong 1”, vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến theo từng lớp vì nếu lớp trực tiếp riêng, lớp trực tuyến riêng sẽ thiếu GV trầm trọng.

Thầy Ngô Tấn Tài (Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, Q.5, TP.HCM) dạy song song trực tiếp và trực tuyến

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Hà cho biết, khá nhiều lớp chỉ có khoảng 1/2 số HS đến trường; một số lớp phải chuyển sang học trực tuyến 100%.

Sau khi hoãn cho HS từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận nội thành đi học trực tiếp từ 21.2, đến thời điểm này Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nào, HS vẫn học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Trước thông tin cho rằng Sở GD-ĐT sẽ đề xuất cho HS lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành trở lại trường vào tháng 3 tới, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng Sở chưa có bất cứ chủ trương nào về việc này.

Có lùi thời điểm kết thúc năm học ?

Xung quanh thực tế khó khăn này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ năm học 2021 - 2022 là năm học phi truyền thống về khung thời gian năm học, với mục tiêu đảm bảo lớp học an toàn, duy trì chất lượng. Khi HS trở lại, các trường tiểu học cần có hình thức để kiểm tra thực chất mức độ tiếp nhận chương trình của HS. Từ kết quả thực chất đó mới cân nhắc, điều chỉnh khung thời gian năm học phù hợp.

Quy định xử trí F0, F1: Tiền đâu để test nhanh cho toàn bộ HS ?

Bộ GD-ĐT mới xây dựng “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học” trên cơ sở sửa đổi, bổ sung từ cuốn sổ tay được ban hành theo Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT.

Theo hướng dẫn mới, cách xử trí khi có F0, F1 trong trường học, lớp học đã bớt phức tạp hơn, toàn bộ HS và GV trong lớp có F0 không bị coi là F1 như hướng dẫn trước đó nữa. Tuy nhiên, vẫn yêu cầu tất cả HS trong lớp có F0 phải xét nghiệm Covid-19.

Hiệu trưởng nhiều trường tại Hà Nội cho rằng quy định xét nghiệm toàn bộ HS trong cùng lớp khi lớp có HS F0 thực sự là bài toán kinh tế với các nhà trường vì việc xuất hiện F0 trong lớp học không còn là số ít nữa. Nếu test nhanh cho toàn bộ HS trong lớp và lặp lại mỗi ngày đòi hỏi mức kinh phí rất lớn, chưa biết lấy từ đâu?

Ông Tài lưu ý: “Khi cần thiết có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để HS, nhất là HS lớp 1, lớp 2 có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh. Việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi địa bàn nhỏ nhất là phường, xã đối với đối tượng HS nhỏ nhất là trẻ mầm non, tiểu học trên tinh thần ưu tiên số 1 cho chất lượng và tính toán, cân nhắc để các trường có khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc năm học, chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp”.

Thi tốt nghiệp THPT ra sao ?

Trong văn bản gửi giám đốc sở GD-ĐT các địa phương lưu ý về việc tổ chức dạy học trong dịch bệnh mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu: “Riêng đối với HS lớp 12, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hoàn thành năm học 2021 - 2022 trước ngày 30.6; đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30.6 vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022”.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cho biết chưa nhận được báo cáo nào của địa phương về việc gặp khó khăn khi thực hiện mốc thời gian này. Hầu hết các tỉnh, thành đều ưu tiên cho HS cấp THPT, đặc biệt là lớp 12 đi học trực tiếp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến ở các nhà trường cho rằng họ đang chờ hướng dẫn mới của Bộ về đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh thuộc diện “có F”. Nếu như năm trước Bộ GD-ĐT sửa quy chế và xét đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh thuộc diện F0, F1, F2… năm nay nếu theo diễn biến dịch bệnh như hiện nay thì con số này là quá nhiều. Đó là những tình huống Bộ cần tính toán. Tuy nhiên, nếu không đặc cách thì việc tổ chức thi ra sao cũng cần sớm được công bố.

Dạy học trong điều kiện thầy và trò đều nhiễm Covid-19

Thanh Hóa: Từ ngày 7 - 23.2 có tổng cộng 28.366 GV và HS mắc Covid-19. Để triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngày 20.2, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã hướng dẫn về việc quyết định dừng học trực tiếp. Riêng cấp THCS, THPT vẫn triển khai học trực tiếp bình thường dù có phát hiện nhiều hay ít F0.

Nghệ An: Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết đến nay Nghệ An có hơn 5.000 HS và GV bị nhiễm Covid-19. Sở GD-ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn các trường ưu tiên dạy học trực tiếp và bỏ khái niệm trường học trực tuyến, đặc biệt đối với HS lớp 7 trở lên đã tiêm vắc xin.

Hà Tĩnh: Hiện chỉ còn khoảng hơn 40 trường mầm non và tiểu học thuộc vùng dịch cấp độ 3, 4 và một số vùng có nguy cơ cao vẫn tạm thời cho HS nghỉ học. Còn lại hầu hết các trường vẫn duy trì nền nếp học tập ổn định theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hải Phòng: Tại một số trường, số GV là F0 đã lên đến 50%. Lãnh đạo một số trường học cho biết, có lớp chỉ có 1 HS đi học trực tiếp. Thậm chí, ở khối mầm non, có trường còn không có HS nào đến trường.

Phú Yên: Vẫn duy trì việc học trực tiếp dù số ca nhiễm tăng cao liên tục. Ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Dựa theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, các trường học đang tăng cường phòng dịch Covid-19”.

Đà Nẵng: Lớp học có F0 vẫn đi học bình thường. Tất cả HS không phải là F0 và F1 thuộc diện đang theo dõi đều có thể đi học trực tiếp. Những HS không tham gia học trực tiếp sẽ được GV gửi bài, chương trình để học.

Quảng Trị: Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, từ khi HS đi học trực tiếp trở lại sau tết, trung bình mỗi ngày có hàng chục em nhiễm Covid-19. Ngoài việc điều trị bệnh, nhà trường chủ động làm tốt công tác tâm lý để HS cảm thấy luôn được quan tâm, không bị mặc cảm mình là F0.

Quảng Nam: Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết hầu hết trường học nào trên địa bàn tỉnh đều có HS mắc Covid-19 và tăng cao từng ngày. Tuy nhiên việc dạy học trực tiếp vẫn diễn ra 100%. Lớp nào xuất hiện nhiều F0 thì sẽ cho lớp đó chuyển qua học trực tuyến vài ngày, sau đó tổ chức học trực tiếp trở lại.

Bình Thuận: Ngày 24.2, Sở GD-ĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục trong tỉnh hướng dẫn 3 phương án dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Phương án 1, dạy học trực tiếp ở vùng xanh. Phương án 2, khi có GV và HS bị F0 thì kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến. Phương án 3 là dạy trực học tuyến khi trở thành vùng đỏ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày 22.2, tất cả trẻ mầm non, HS H.Côn Đảo đã dừng đến trường học trực tiếp để phòng, chống dịch Covid-19.

Bình Dương: Sở GD-ĐT Bình Dương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để có hướng dẫn xử lý các ca F0, F1 trong trường học. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết thêm trong trường hợp các phụ huynh và nhà trường có yêu cầu sẽ cho HS chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến.

Vĩnh Long: Ngày 24.2, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết các HS mắc Covid-19 và F1 được cách ly, điều trị tại nhà và sẽ học trực tuyến song song với HS học trực tiếp hoặc GV sẽ giảng bài lại.

Đồng Tháp: Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho hay các cơ sở giáo dục đã xử trí F0 đúng kịch bản đã diễn tập. Trong thời gian điều trị, GV và HS dạy và học trực tuyến.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.