Facebook đầu tư mạnh vào AI để 'lọc sạch' nội dung

03/05/2019 15:10 GMT+7

Tại hội nghị nhà phát triển F8 thường niên, giám đốc công nghệ Facebook Mike Schroepfer thử khả năng phân biệt bông cải xanh và cần sa của các phóng viên.

Ông Schroepfer cho báo giới xem hai bức ảnh có đốm màu xanh lá cây và hỏi rằng liệu chúng là hình ảnh của cần sa hay bông cải xanh. Phóng viên của CNN đoán cả hai hình ảnh đều là cần sa, và đây là câu trả lời sai. Khi hình ảnh hiện diện rõ sau đó, một tấm là hình bông cải xanh.
Không như con người, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lọc nội dung của Facebook có thể xác định hình ảnh nào là thực phẩm và hình ảnh nào là cần sa, theo ông Schroepfer. Hôm 2.5, sếp công nghệ hãng mạng xã hội Mỹ giới thiệu chi tiết cách AI cải thiện như thế nào theo thời gian, và cách mà Facebook sử dụng công nghệ mới mẻ này để loại bỏ bài đăng hoặc quảng cáo mà họ không muốn người dùng nhìn thấy.
Song AI vẫn còn gặp khó trong việc xác định liên tiếp nội dung phản cảm. Facebook và nhiều hãng mạng xã hội dựa vào sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và nhân viên người thật chuyên quản lý nội dung để xử lý vấn đề. Facebook gần đây bị chỉ trích vì dựa vào con người quá nhiều. Họ cũng bị than phiền khi AI không phát hiện video phát trực tiếp cảnh thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand.
“Video New Zealand là ví dụ khủng khiếp về điểm mà chúng tôi cần phải làm tốt hơn rất nhiều”, Schroepfer thừa nhận. Ông cho biết hiện AI là phương pháp hàng đầu của Facebook để tìm nội dung xấu trong hầu hết các danh mục. Bốn năm qua, khả năng học máy của doanh nghiệp phát triển từ việc không thể nắm bắt được những thứ thật sự rõ ràng sang nhận diện được nội dung mà con người không dễ nhận ra.
Giờ đây, hệ thống tự động của Facebook có khả năng gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo có ảnh cần sa, hình ảnh bao bì cần sa. Tuy Schroepfer khen ngợi tiến bộ về AI của Facebook, ông cũng cho rằng vụ nổ súng gần đây ở New Zealand nêu bật nhiều thách thức mà AI vẫn phải đối mặt trong việc kiểm soát nội dung.
Khi kẻ bị nghi ngờ là khủng bố phát trực tiếp video thảm sát lên Facebook, công nghệ AI không làm được gì. Video phát đến 17 phút trước khi cảnh sát New Zealand liên hệ với mạng xã hội. Các bản sao video và nội dung bài đăng liên quan tăng vọt trên Facebook trong lúc doanh nghiệp vẫn nỗ lực chạy theo.
Schroepfer cho hay Facebook có xem xét vụ việc này để nghiên cứu cách để phát hiện vấn đề tương tự nhanh hơn. Ông cho rằng công ty có thể cải thiện khi AI hiểu tốt hơn tại sao nội dung trong video lại xấu hoặc thu nhận tín hiệu về hành vi của người đăng video, chẳng hạn như việc họ có thể bị báo cáo xấu trong quá khứ.
Nhiều tiến bộ AI của Facebook đến từ những gì được gọi là học có giám sát. Đây là kỹ thuật AI mà theo đó, máy tính được cung cấp dữ liệu có dán nhãn để chúng biết được cần chú ý điểm nào. Đây là hoạt động tốn nhiều công sức với con người, không phù hợp để giải quyết các nội dung chuyển động nhanh như ảnh vui hoặc thông tin sai lệch liên quan đến cuộc bầu cử.
Để phát hiện các nội dung này nhanh chóng, Facebook cải thiện kỹ thuật học có giám sát. Gần đây, công nghệ được ứng dụng vào cuộc bầu cử đang diễn ra ở Ấn Độ. Hồi tháng 3, Facebook còn triển khai phần mềm mới để phát hiện nội dung thù địch bằng tiếng Anh tại Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.