Facebook, Gmail được dùng để lừa đảo nhiều nhất tại Việt Nam

17/12/2023 11:53 GMT+7

Người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, con số đáng kinh ngạc là 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng/1 lần.

Đây là thông tin được nêu lên trong trong báo cáo "Thực trạng lừa đảo tại Việt Nam năm 2023" vừa được Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và website Chongluadao.vn công bố.

 Facebook, Gmail là nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Facebook là nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam

T.H

Khảo sát được thực hiện với 1.063 người Việt, trong số này có 55% bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết lừa đảo của họ, trong khi có 14% thừa nhận hoàn toàn thiếu tự tin.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng/1 lần.

Có tới 49% người tham gia khảo sát đã trải qua sự gia tăng các vụ lừa đảo trong 12 tháng qua. Nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất là Facebook và Gmail, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua các nền tảng này.

Theo sát, Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%) chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5, là các kênh được khai thác nhiều nhất.

 Facebook, Gmail là nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 2.

Các nền tảng trực tuyến được những kẻ lừa đảo sử dụng tại Việt Nam

GASA

Hình thức lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người tham gia báo cáo về hình thức này. Tiếp đến là các hình thức lừa đảo mua sắm, ăn cắp danh tính, tuyển dụng…

Theo báo cáo, lừa đảo đã gây ra tác động sâu sắc trong nạn nhân, đặc biệt là lừa đảo trộm danh tính (21%) và lừa đảo mua sắm (21%). Không chỉ chịu tổn thất về tài chính, nạn nhân của các vụ lừa đảo còn chịu cả nỗi đau tinh thần, trong đó một số nạn nhân có ý nghĩ tự tử.

Thiệt hại tài chính do lừa đảo gây ra là rất lớn, 29% người tham gia cho biết đã có thiệt hại về tiền bạc, trung bình 17,7 triệu đồng (734 USD) cho mỗi nạn nhân.

Những nỗ lực cứu vãn càng chứng tỏ đây là một cuộc chiến khó khăn, khi chỉ có 1% người lấy lại được số tiền đã mất.

Khi được hỏi về lý do khiến họ trở thành nạn nhân, có 22% người được hỏi cho biết không chịu nổi những lời đề nghị hấp dẫn, phần còn lại thường bị mắc bẫy bởi sự lưỡng lự hoặc hành động bốc đồng.

Điều đáng nói là có tới 66% chọn không báo cáo việc bị lừa đảo cho cơ quan chức năng, lý do là sự lưỡng lự không chắc chắn, quy trình báo cáo phức tạp và thiếu nhận thức về tầm quan trọng. Có đến 54% trong số nạn nhân phải chịu tác động về cảm xúc rất mạnh mẽ. 

Một số biện pháp để tránh nạn lừa đảo là kiểm tra thận trọng số điện thoại đã liên hệ và tìm kiếm lời khuyên từ các nhóm chống lừa đảo trên Facebook.

Tuy nhiên, trở ngại với các nạn nhân là sự lưỡng lự không biết phải báo cáo với ai, điều này cho thấy nhu cầu về một cơ chế thông tin rõ ràng hơn. Theo đó, các nạn nhân cần chia sẻ kinh nghiệm với gia đình, bạn bè, công an địa phương và các nền tảng trực tuyến như Chongluadao.vn.

Báo cáo "Tình trạng lừa đảo ở Việt Nam năm 2023" như một lời kêu gọi người dân Việt Nam nâng cao nhận thức và có cơ chế báo cáo hợp lý để chống nạn lừa đảo trên internet.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.