(TNO) Nhiều khả năng, trong ngày mai (1.2), Facebook sẽ nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhiều ngân hàng đã chào mời những mức phí bảo lãnh phát hành thấp đến bất ngờ với hy vọng trở thành người “vận chuyển” chính thức cho cú “chào sàn” có tổng giá trị ước tính vào khoảng 10 tỉ USD này.
Theo Reuters, đợt IPO sắp tới của Facebook đã chính thức kiến tạo một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các ngân hàng, mà điển hình là hai ông lớn Morgan Stanley và Goldman Sachs, trong việc tìm kiếm cơ hội tư vấn và bảo lãnh phát hành.
Giới phân tích dự báo, mức phí bảo lãnh phát hành với Facebook sẽ thấp hơn rất nhiều so với thông lệ 6 - 7% trên tổng số tiền phát hành cổ phiếu, và con số 1% hiện là mục tiêu mà các ngân hàng đang nhắm đến.
Đối với những đợt IPO lớn trước đây, thường thì mức phí bảo lãnh phát hành dừng lại con số 2 - 3%.
“IPO của Facebook chỉ mang tính biểu tượng”, ông James Montgomery - Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Montgomery & Co có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) nhận định.
“Facebook sẽ dễ dàng thương lượng được mức phí 1% đối với toàn bộ nhóm ngân hàng đầu tư hỗ trợ phát hành IPO, và điều này đã và đang khiến nhiều ngân hàng thất vọng”, ông James Montgomery cho biết thêm.
“Chưa từng có một đợt IPO nào như thế này”, chuyên gia phân tích kỹ thuật Lee Simmons tại công ty tư vấn tài chính Dun & Bradstreet cho biết.
Theo tờ Wall Street Journal, Facebook có kế hoạch đệ trình đơn xin IPO lên Ủy ban chứng khoán Mỹ trong ngày 1.2, và nhiều khả năng mạng xã hội của chàng trai 28 tuổi Mark Zuckerberg đang đến rất gần quyết định chọn Morgan Stanley làm đơn vị tư vấn và bảo lãnh phát hành.
Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Thomson Reuters, ngân hàng Morgan Stanley đang có nhiều ưu thế hơn Goldman Sachs để có thể kề vai sát cánh cùng Facebook bởi đây là ngân hàng môi giới hàng đầu trong việc IPO các cổ phiếu công nghệ cao hồi năm ngoái.
Dẫu thế, dù là Morgan Stanley hay Goldman Sachs thì rõ ràng Facebook đang tạo ra cú hích lớn cho thị trường chứng khoán Mỹ vốn đang thăng trầm với sự tuột dốc của nền kinh tế sở tại, kèm theo đó là nỗi lo từ người anh em khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) với nguy cơ vỡ nợ tại Hy Lạp có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)