Đã có thời, những người dùng mạng xã hội từng tiếc nuối, buồn thương khi Yahoo tuyên bố "khai tử" Yahoo!360. Đó là thời mà internet bắt đầu tràn vào từng ngõ nhỏ. Sau nhu cầu hiểu biết về thế giới, con người bắt đầu khát khao nhu cầu kết nối, chia sẻ với thế giới bằng quan điểm của chính mình. Một ngày của chúng ta trôi qua như thế nào, điều gì làm chúng ta rung động, cách chúng ta nhìn xã hội và nhìn thế giới… Chúng ta tiếc nuối vì đến một ngày khao khát chia sẻ ấy bị cắt đứt hoàn toàn.
Cho đến khi Facebook ra đời, chúng ta lại có một nơi để những mong muốn kết nối và chia sẻ tiếp tục được diễn ra. Một thế giới ảo lại mở ra bên cạnh thế giới bình thường. Và vô tình, mỗi ngày chúng ta phải sống trên cả hai thế giới như một nhu cầu không thể thay thế được.
Rồi chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, "thế giới ảo" bỗng khiến "thế giới thật" hỗn loạn. Vòng kết nối trên mạng đứt đoạn. Tất cả mọi người hoang mang. Chúng ta lập tức hỏi han khắp nơi, tìm hiểu nguyên nhân rồi lo lắng không biết bao giờ trang cá nhân của chúng ta trở lại.
Facebook đã trở lại. Nhưng nếu đặt trường hợp sau sự cố đêm qua, Facebook biến mất hoàn toàn thì chúng ta sẽ như thế nào? Có chịu đựng nổi không?
Thật sự là có. Chúng ta hoàn toàn có thể chịu đựng và nhanh chóng vượt qua, vui với một trang mạng xã hội phổ biến khác thay thế. Cũng như câu chuyện của Facebook ngày thay thế Yahoo!360 vậy. Con người là sinh vật có sự thích nghi rất cao với sự thay đổi và cũng sẽ nhanh chóng hòa hợp với sự biến chuyển nhanh chóng của xã hội mình đang sống.
Nhưng có một câu hỏi sau sự cố này: Chúng ta kết nối người thân, bạn bè tốt hơn hay cô đơn hơn khi sử dụng mạng xã hội?
Trong cuốn Sapiens – Lược sử loài người của Yuval Noah Harari, phần Cách mạng nông nghiệp, ông cho rằng một trong những quy luật sắt của lịch sử là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới. Một khi con người đã quen với sự xa hoa nào đó, họ sẽ cho đó là điều hiển nhiên. Rồi họ bắt đầu mong đợi nó. Cuối cùng họ sẽ không thể sống thiếu nó.
Con người từ bỏ cuộc sống săn bắt hái lượm, du cư để chuyển sang cuộc sống định cư và phát triển nông nghiệp cũng từ đó. Và ở thời đại của chúng ta, vài thế kỷ gần đây, chúng ta phát minh ra vô số thiết bị để tiết kiệm thời gian, nghĩ rằng sẽ giúp cho cuộc sống dễ chịu và thảnh thơi hơn như máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát, điện thoại di động, máy vi tính, email… Nhưng thật buồn là chúng ta không sống thảnh thơi hơn. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian nhưng thay vào đó, chúng ta tăng tốc guồng quay cuộc sống lên gấp chục lần so với tốc độ trước đây, làm cho những ngày làm việc của mình trở nên đầy lo âu và bối rối.
Mạng xã hội mang tới rất nhiều điều tốt, thậm chí phi thường. Nhưng sự kết nối ảo cũng làm cho sự kết nối thật nhạt dần đi. Và đôi khi, chúng ta nghĩ rằng mình có bạn bè với cả thế giới, nhưng thật ra lúc đó là lúc sự cô đơn ngự trị.
Tôi có một vài người bạn, làm bạn với nhau từ ngoài đời, rồi kết nối với nhau chủ yếu bằng Facebook. Tôi luôn cảm thấy yên tâm rằng bạn của mình vẫn ổn, vẫn sống rất tốt vì họ vẫn còn đó bằng một tài khoản Facebook đại diện. Nhưng đến một ngày, tôi và nhiều người bạn chung chợt bàng hoàng khi biết tin bạn mình đã mất vài tháng trước. Tài khoản Facebook vẫn nằm đó nhưng mãi mãi dừng lại ở một dòng trạng thái cũ. Chúng tôi đã rất day dứt và ân hận.
Cho nên, nếu một ngày một nền tảng mạng xã hội nào đó rời bỏ chúng ta, sẽ không có gì quan trọng cả. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì khi mạng xã hội vẫn đang bên cạnh chúng ta.
Bình luận (0)