Ông Patrick Walker, giám đốc phụ trách đối tác truyền thông khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook, đưa ra tuyên bố vào ngày 31.10, theo Reuters.
Ông Walker đưa ra tuyên bố trên sau vụ tranh cãi hồi tháng 9.2016 giữa Facebook và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg về việc Facebook xóa bức ảnh nổi tiếng được gọi là “Nỗi kinh hoàng chiến tranh”, trong đó có hình ảnh bé gái Kim Phúc không mặc quần áo kinh hoàng bỏ chạy trong một cuộc tấn công bằng bom napalm thời chiến tranh Việt Nam của nhà báo đoạt giải Pulitzer, Nick Út.
“Chúng tôi đã có nhiều thay đổi về chính sách sau vụ bức ảnh Nỗi kinh hoàng chiến tranh. Chúng tôi đã cải thiện tiến trình đánh giá để đảm bảo những câu chuyện và hình ảnh gây tranh cãi có thể xuất hiện trên Facebook nhanh chóng hơn”, ông Walker nói.
“Và trong những tuần sắp tới, chúng tôi sẽ bắt đầu cho phép thêm nhiều hình ảnh, câu chuyện mà mọi người cảm thấy đáng đăng, quan trọng và phù hợp với mối quan tâm của cộng đồng, thậm chí chúng vi phạm các quy định của chúng tôi”, ông Walker nói trong cuộc họp với Hiệp hội Các biên tập viên Na Uy ở thủ đô Oslo. Ông được mời tham gia cuộc họp này sau vụ tranh cãi với Thủ tướng Na Uy, hiệp hội này và cả Bộ trưởng Văn hóa Na Uy.
“Mục tiêu của chúng tôi là cho phép thêm nhiều bức ảnh và câu chuyện được đăng tải trên Facebook mà không đe dọa sự an toàn hay phơi bày những hình ảnh nhạy cảm trước mắt trẻ vị thành niên hay những đối tượng khác không muốn xem chúng. Chúng tôi sẽ phối hợp với cộng đồng sử dụng Facebook và các đối tác để tìm cách thực hiện mục tiêu”, ông Walker nói thêm.
|
Facebook khôi phục bức ảnh Nỗi kinh hoàng chiến tranh sau khi Thủ tướng Solberg và nhiều người khác cáo buộc Facebook kiểm duyệt và thay đổi lịch sử bằng cách xóa bỏ khi xóa bức ảnh này theo quy định về giới hạn hình ảnh khỏa thân.
Nhưng sau đó Facebook buộc phải đính chính rằng tầm quan trọng về mặc lịch sử của bức ảnh có giá trị lớn hơn quy định của công ty này.
Bình luận (0)