Khẳng định chủ quyền đánh thuế với tập đoàn xuyên quốc gia
Theo thông tin Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố ngày 19.12, đến nay đã có 439 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin đến cơ quan thuế với gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Năm 2024, cơ quan thuế đã thu khoảng 116.000 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng 20% so với số thuế năm 2023.
Về quản lý thuế với nhà cung cấp nước ngoài, tính từ thời điểm triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (ngày 21.3.2022 - PV) đến nay, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế.
Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2024 là 8.687 tỉ đồng, bằng 126% số thu cùng kỳ năm 2023, đạt 174% so với dự toán.
Liên quan tới quản lý thuế với thương mại điện tử, chia sẻ tại hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, đến nay ngành thuế đã tổ chức rà soát và đưa vào quản lý hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử.
Các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Ireland, Anh… với tổng số thuế khai nộp ngân sách nhà nước qua cổng đạt hơn 20.000 tỉ đồng.
"Điều này khẳng định chủ quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới", ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, để chống xói mòn, mở rộng cơ sở thuế, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Cơ quan thuế đang tích cực xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền đánh thuế đối với các tập đoàn có hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia...
Hơn 58.600 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế
Tổng cục Thuế thông tin thêm, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thuế. Ngành thuế triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng.
Trong năm 2024, ngành thuế đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế chủ động cập nhật kịp thời nghĩa vụ thuế, các khoản nợ thuế. Đồng thời, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Đối với những trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, ngành thuế đã công khai thông tin, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cố ý chây ỳ nợ thuế để xử lý nhằm nâng cao tính răn đe.
Kết quả thu nợ năm 2024 đạt 61.227 tỉ đồng, tăng 33,2% so với năm trước. Tỷ lệ tổng tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 7,8%.
Cạnh đó, cơ quan thuế đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỉ đồng, qua đó đã thu được 4.289 tỉ đồng của 6.648 người nộp thuế.
6 nhà cung cấp nước ngoài: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài ngoài đi vào hoạt động, cả 6 nhà cung cấp nước ngoài kể trên đều nhanh chóng đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này.
Bình luận (0)