Cấp tập khánh thành nhà máy, giải ngân tăng mạnh
Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan) phát thông báo: Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chính thức vận hành thương mại. Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại VN có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD, do nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) SCG đầu tư. Chủ đầu tư dự án này cho hay, khi Tổ hợp hóa dầu Long Sơn vận hành chính thức sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động VN và sẽ chuyển giao công nghệ cho lao động Việt. Dự kiến, doanh nghiệp (DN) sẽ đạt doanh thu 1,5 tỉ USD, đóng góp 150 triệu USD mỗi năm liên quan thuế giá trị gia tăng vào ngân sách.
Một địa phương lân cận là Đồng Nai, trong 9 tháng đã thu hút được 74 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 684 triệu USD, chủ yếu tập trung trong khu công nghiệp.
Ngày 26.9 vừa qua, Aboitiz Foods (thuộc Tập đoàn Aboitiz, Philippines) khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi lớn bậc nhất Đông Nam Á tại Bến Lức, Long An; với tổng vốn 45 triệu USD, công suất 300.000 tấn mỗi năm. Trước đó vào tháng 8, Tập đoàn CS Wind của Hàn Quốc công bố dự án đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị điện gió trị giá 200 triệu USD trong Cụm dự án Cảng quốc tế Long An. Đây là nhà máy có công suất sản xuất lớn trên thế giới, lên đến hàng chục nghìn sản phẩm mỗi năm. Toàn bộ thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu xuất nhập thông qua Cảng quốc tế Long An, ước tính từ 150.000 - 200.000 tấn mỗi năm. Hiện Long An đã có sự hiện diện của nhiều ông lớn như nhà máy Coca-Cola (vốn đầu tư 3.109 tỉ đồng), nhà máy Pepsi (7.486 tỉ đồng), Aeon Mall Tân An (Nhật Bản, 1.000 tỉ đồng). Điểm chung của hầu hết các dự án mới ở địa phương này là áp dụng công nghệ hiện đại, dùng năng lượng tái tạo, hướng đến yếu tố xanh, bền vững, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Ở phía bắc, ngày 28.9, Deli Việt Nam (vốn Trung Quốc) cũng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy tại Hải Dương với tổng vốn đăng ký 270 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm văn phòng phẩm, đồ gia dụng… xuất khẩu và bán buôn trong nước. Hải Dương cũng là một trong những địa phương mới 9 tháng đã hoàn thành mục tiêu thu hút FDI của cả năm 2024.
Những sự kiện trên cho thấy các nhà ĐTNN đã và đang giải ngân, tăng tốc đầu tư nhà máy để hoạt động lâu dài tại VN. Theo số liệu mới nhất về tình hình thu hút vốn FDI, tính hết tháng 9, FDI bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt hơn 24,78 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, góp vốn mua cổ phần giảm (giảm hơn 26%), nhưng vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh tăng đáng kể, lần lượt tăng 11,3% và hơn 48%. Đáng lưu ý, trong 9 tháng, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng hơn 17,3 tỉ USD, tăng gần 9% so cùng kỳ năm ngoái. Con số giải ngân tiếp tục tăng mạnh là minh chứng cho sự gắn kết, đầu tư ổn định bền vững của nhà ĐTNN.
Điểm dừng chân cho ông lớn công nghệ
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, dòng vốn FDI vẫn tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN như có sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư… như Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm hơn 80% số dự án mới và gần 73% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng. Đáng lưu ý, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn; năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic; sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng qua.
Đơn cử ngày 1.10, bên lề Ngày hội đổi mới sáng tạo VN năm 2024 được tổ chức ở Hà Nội, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta (trước là Facebook), đã nhấn mạnh 3 nội dung cam kết tại VN. Đó là từ nay đến cuối năm 2024, Meta sẽ phát triển hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) cho các DN tại VN bằng tiếng Việt và miễn phí cho người dùng; thiết bị đeo Quest 3S (kính thực tế ảo VR) của Meta cũng sẽ được sản xuất tại VN; hợp tác với ĐH Quốc gia Hà Nội để xây dựng khóa học về sử dụng AI cho sinh viên. Khóa học này sẽ bắt đầu khai triển từ tháng 1.2025. Trước đó, trong tuần cuối tháng 9, tại buổi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân chuyến công tác và làm việc tại Mỹ, đại diện Tập đoàn SpaceX cũng cho biết có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD vào VN trong thời gian tới.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, nói con số ông quan tâm nhất trong thu hút FDI là giải ngân. Qua mỗi tháng, số giải ngân nguồn vốn này liên tục tăng và với hơn 17 tỉ USD, đây là mức giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này cho thấy nhà ĐTNN tìm thấy ở VN là mảnh đất sinh lời tốt, thuận lợi để tăng tốc, mở rộng đầu tư, ổn định sản xuất sớm. Lợi thế của VN là môi trường chính trị, xã hội ổn định, là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh và mạnh nhất trong khu vực, với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, FDI không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là nguồn lực công nghệ cao, phải tận dụng được sự đóng góp công nghệ từ nhà ĐTNN để đẩy mạnh tăng trưởng của VN nhanh hơn, bền vững hơn.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, nhận định: Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đều có những cơ may. VN cũng có cơ may của mình trong lĩnh vực chip, bán dẫn khi hội tụ được nhiều yếu tố tích cực. Đó là 22 triệu tấn đất hiếm theo công bố của Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm 2022. Lúc Trung Quốc "cắt" đất hiếm như giai đoạn 2022 - 2023 thì thị trường ô tô, điện thoại… rơi vào tình trạng thiếu hụt do thiếu chip. Thông tin về đất hiếm tại VN, chính sách thu hút FDI thế hệ mới cởi mở, quyết liệt của Chính phủ VN sau đó, rồi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ… đã tạo những cơ may cho VN. Việc vốn FDI vào VN tăng đều trong bối cảnh thu hút FDI toàn cầu không mấy dễ dàng là minh chứng cho điều đó.
"VN không chỉ có đất hiếm mà có cả vonfram, toàn nguyên liệu quý giá cho công nghệ tiên tiến. Quan trọng là ta nắm bắt cơ hội. Nhưng VN không chỉ dựa vào DN FDI để trở thành cường quốc bán dẫn, mà phải chuyển giao công nghệ tiên tiến thế giới, biến thành công nghệ của VN", GS Nguyễn Mại khuyến cáo.
"Những diễn biến trên thị trường cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn coi VN là một trong những điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất, hiện diện của họ trên thị trường toàn cầu. Thế nên, cùng với chính sách khuyến khích đầu tư, các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh phải sớm được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Quan trọng nhất là phải nhanh chân thu hút FDI thế hệ mới như chip, bán dẫn…".
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Bình luận (0)