Nhiều dự án năng lượng tỉ “đô”
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ 3 diễn ra vào cuối tháng qua, Delta Offshore Energy, đơn vị thực hiện điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 tập đoàn Mỹ là Bechtel Corporation, General Electric và McDermott để phát triển dự án trên, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Mỹ trị giá hơn 3 tỉ USD.
Dự án điện khí sử dụng khí hóa lỏng Bạc Liêu, do Delta Offshore Energy thực hiện, có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỉ USD trong vòng 25 năm và 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo luật Đầu tư của Việt Nam. Tại diễn đàn này, các nhà đầu tư Mỹ cũng bày tỏ quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
“Với kết quả bầu cử tổng thống Mỹ mới, đầu tư của các dự án này cũng sẽ không có gì thay đổi. Các dự án năng lượng lớn với trị giá hàng chục tỉ đô trong tương lai từ Mỹ vào Việt Nam sẽ giúp thay đổi cục diện, vị thế Việt Nam trong khu vực. Quan trọng hơn, các dự án đều chú trọng năng lượng sạch chứ không phải nhiệt điện hay thủy điện”, chuyên gia này chia sẻ.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, cũng cho rằng kết quả bầu cử Mỹ thế nào thì đầu tư trực tiếp (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam không có gì thay đổi cả, bởi chiến lược đầu tư của chính phủ Mỹ hay của các tập đoàn là nhất quán.
Thận trọng hơn, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng lúc này rất khó dự báo, nhưng ai làm tổng thống Mỹ cũng sẽ không ảnh hưởng đến đầu tư của Mỹ vào Việt Nam mà “chỉ có Covid-19 mới ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Thu hút vốn Mỹ vào nông sản, thực phẩm, thủy sản
Tuy nhiên, các thỏa thuận ký kết chỉ mới trong giai đoạn đầu, các dự án năng lượng này vẫn còn ở thì tương lai. Nên theo ông Robert Trần, việc cần nói đến hiện nay là nhanh chóng thu hút FDI từ Mỹ vào các ngành mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đó là công nghệ thông tin, nông sản và nông sản chế biến; thủy sản và thủy sản chế biến; dược phẩm (những sản phẩm không kê toa).
Ông Robert Trần nói: “Suốt thời gian qua, chúng tôi làm việc với rất nhiều tập đoàn để lên chiến lược đầu tư đến vùng nào. Trong đó, 4 nhóm doanh nghiệp nói trên cực kỳ quan tâm đến Việt Nam. Tôi cũng khẳng định với họ đó là các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam mà Việt Nam cần xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Tập trung thu hút mời gọi những dự án thuộc lĩnh vực này hậu Covid-19”.
Thông tin từ Bộ KH-ĐT, hiện Mỹ đang là nhà đầu tư thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam thông qua các công ty con, các chi nhánh tại nước thứ 3 cũng rất nhiều. Đặc biệt, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đều có đầu tư vào Việt Nam qua các doanh nghiệp sản xuất theo loại hình ODM/OEM (thiết kế sản phẩm gốc/sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được chỉ định bởi khách hàng) trong chuỗi cung ứng của họ.
Ngày 5.11, tại buổi họp báo về tình hình thu hút đầu tư và kinh doanh vào các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM từ quý 1 - 3 năm nay, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM thông tin, do ảnh hưởng bởi Covid-19, trong 10 tháng, không có nhà đầu tư mới nào từ Mỹ vào các khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhà đầu Mỹ theo xu hướng chuyển dịch đầu tư, có thể chọn TP.HCM và tìm hiểu để đầu tư vào các khu công nghiệp.
Bình luận (0)