|
Nhân văn từ IN và OFF
Câu chuyện festival cho người nghèo không phải là nét mới mà là tinh thần xuyên suốt qua 8 kỳ festival. Ngay từ ngày đầu mới tổ chức festival, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lựa chọn công nghệ tổ chức của đối tác Pháp và tính nhân văn của công nghệ này chính là ở hai từ IN và OFF. IN là chương trình nghệ thuật có bán vé và OFF là chương trình mở, miễn phí để phục vụ cho công chúng, cộng đồng.
Không ít người và cả những nghệ sĩ cũng xúc động trước hình ảnh các bệnh nhân mang theo bình truyền, ngồi xe lăn, tay còn bó bột... tụ tập để xem ban nhạc nổi tiếng của Hoa Kỳ Amigos biểu diễn (sáng 14.4). Ngay hôm sau 15.4, họ cũng đã được các nghệ sĩ La Colmenita (Cuba) làm hưng phấn với bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Việt. ông Nguyễn Văn Bình (quê ở Phú Lộc, đang điều trị tại bệnh viện) trầm trồ.
Không chỉ bệnh nhân mà từ tiểu thương, xích lô, xe ôm, nông dân, thợ xây dựng... đều có dịp thưởng thức nghệ thuật. Tại TP.Huế và các huyện vùng sâu, vùng xa đã có hàng chục sân khấu (SK) cộng động đã được dựng lên để phục vụ người dân. Buổi chiều trên các tuyến phố, người dân từ mọi tầng lớp còn được hòa mình với các chương trình nghệ thuật của lễ hội đường phố.
Khán giả tha hồ xem miễn phí các chương trình nghệ thuật hàng đầu thế giới, như: múa Smile (Nga), ban nhạc nổi tiếng của Achentina (Osvaldo Montes), nghệ thuật múa Arga Bileg (Mông Cổ), Lisu (Myanmar), Artistana (Malaysia), ban nhạc Sururu Na Roda (Brazil), nghệ thuật múa của đoàn Kalasin (Thái Lan), vũ khúc Ranranga (Sri Lanka), múa Duna (Hungary), nhã nhạc Nantogakuso (Nhật), nhóm Tứ tấu Valdai (Nga), đoàn Rio en Caribe (Colombia), ban nhạc nổi tiếng của Hoa Kỳ Amigos hay các nghệ sĩ La Colmenita (Cuba), ban nhạc Deepbue (Úc)…
Ai hưởng lợi?
Buổi sáng, vừa bước vào quán bún trên đường Điện Biên Phủ, TP.Huế, thấy tôi có đeo cái thẻ phóng viên báo chí tác nghiệp ở festival, o Tê-chủ quán nói: “Sáng ni cũng có mấy người Tây đeo thẻ như ri vô ăn. Nghe cô hướng dẫn đoàn nói, họ là nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Nga hay Ban Lan gì đó. Ui chao ăn bún mà nước mắt nước mũi chảy lòng thòng. Vui thiệt!”
Ngồi cà phê tại quán Black anh White bên sông Hương với chúng tôi, ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban tổ chức festival đã chia sẻ về những điều được và chưa được của festival.
“Nhiều người gặp tôi cứ hỏi làm festival có lãi hay không? Tại buổi họp báo giữa kỳ có phóng viên cũng hỏi tôi câu hỏi đó. Xin thưa, festival rất lãi. Về chính trị, ngoại giao, chúng ta đã chứng minh được cho bạn bè quốc tế thấy một đất nước VN ổn định, an toàn, khởi sắc, thân thiện và sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trên thế giới; Về văn hóa, festival cho chúng ta cơ hội để phục hồi các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà cha ông đã để lại, đó là lễ tế Giao, tế Xã tắc, Ngự yến hoàng cung… đã thất truyền từ lâu nay được sống lại; Về kinh tế, người dân được hưởng lợi nhiều nhất, từ khách sạn, nhà hàng, ngành vận tải... đến người đạp xích lô đều có cơ hội tăng thu nhập và doanh thu tại festival.
Thống kê trong 3 ngày đầu của Festival Huế 2014 (từ 12 đến 14.4) đã có hơn 49.000 lượt khách du lịch đến Huế, trong đó hơn 21.000 lượt quốc tế, công suất buồng, phòng khách sạn đạt 100%. Cái lãi lớn nhất của festival là lãi của đại cuộc, lãi của nhân dân”- Ông Ngô Hòa khẳng định.
Bùi Ngọc Long
>> Festival 2014: 4.000 ngọn nến thắp sáng lung linh cầu Trường Tiền
>> Festival Huế 2014: Đêm Hoàng cung lung linh quyến rũ
>> Festival Huế 2014: 'DeepBlue' mê hoặc khán giả
>> Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014: Bạc Liêu đã sẵn sàng
>> Festival sinh viên kiến trúc: Ấn tượng và hấp dẫn
Bình luận (0)