Hội nghị được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng tổ chức bởi Cục An toàn thông tin, Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới - FIDO Alliance (trụ sở tại Mỹ) và Công ty Cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Với chủ đề "Kết nối khu vực vì tương lai số an toàn với xác thực mạnh không mật khẩu", sự kiện đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi thẳng thắn giữa đại diện các chính phủ, hiệp hội với doanh nghiệp và cộng đồng để cùng hoạch định chiến lược triển khai công nghệ xác thực mạnh không mật khẩu vào đời sống. Từ đó góp phần bảo vệ tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và bền vững trên toàn khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, được sự ủy quyền của ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đưa ra nhận định: "Chuyển đổi số mang lại những thành tựu vượt bậc, đặc biệt là đối với nền kinh tế, đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại". Tuy nhiên những năm gần đây, an toàn thông tin nói chung và định danh xác thực nói riêng ngày càng trở thành một thách thức lớn khi phương pháp xác thực bằng mật khẩu đã xuất hiện nhiều bất cập. Ông Trần Đăng Khoa cũng cho biết: "Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực đang trong quá trình chuyển đổi từ xác thực truyền thống sang xác thực mạnh không mật khẩu, mục tiêu không chỉ để tăng cường an toàn thông tin mạng mà còn giúp giảm chi phí vận hành và tối ưu trải nghiệm sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ số".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc Công ty VinCSS cũng khẳng định ngay từ phát biểu khai mạc: "Phương thức xác thực theo tiêu chuẩn công nghiệp mở toàn cầu FIDO2 đang dẫn dắt một làn sóng chuyển đổi không thể đảo ngược trên toàn thế giới, do đây là công nghệ duy nhất hiện nay giải quyết trọn vẹn cả ba khía cạnh của xác thực, đó là: an toàn, chi phí hợp lý và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Hiện tất cả Big Tech như Apple, Amazon, Microsoft, Google, Intel, Meta… đều đã tham gia FIDO Alliance và đóng vai trò tích cực, đồng thời đã hỗ trợ công nghệ này trên các nền tảng sản phẩm dịch vụ của mình.
Ngoài ra, với định hướng phổ cập và xã hội hóa các dịch vụ số, trong đó có xác thực mạnh không mật khẩu, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã quyết định cử Cục An toàn thông tin làm đại diện tham gia và trở thành một trong 10 thành viên cấp chính phủ của FIDO Alliance, bên cạnh các "cường quốc" về công nghệ thông tin khác như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc...
Với sự hỗ trợ, tư vấn từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới của FIDO Alliance, Việt Nam sẽ tập trung vào ba trụ cột: Xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp; Đẩy mạnh hợp tác công - tư; Hợp tác toàn khu vực cũng như hợp tác toàn cầu trong nỗ lực nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực chung.
Dấu ấn của nước chủ nhà trong lòng đại biểu quốc tế
Khi được hỏi về lý do lựa chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị FIDO khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên, ông Andrew Shikiar - Giám đốc vận hành FIDO Alliance cho biết: "Việt Nam là lựa chọn tất yếu sau khi chúng tôi thảo luận kỹ các phương án, bởi quốc gia này sở hữu tất cả yếu tố cần thiết để các bên liên quan tụ họp, thảo luận và xây dựng kế hoạch về triển khai công nghệ xác thực mạnh. Với những đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT và tốc độ đầu tư tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sôi động trong phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới".
Bà Teresa Wu, Phó chủ tịch phụ trách Định danh thông minh - Định danh công dân và Bảo mật khu vực Bắc Mỹ của Công ty IDEMIA, chia sẻ cảm nhận sau sự kiện: "Từ cơ sở vật chất đến nội dung chương trình, mọi thứ đều được chuẩn bị tỉ mỉ và đầy thu hút, tạo nên ấn tượng sâu sắc trong tôi. Chỉ khi thực sự tham gia sự kiện, tôi mới cảm nhận rõ được sự quyết tâm và nghiêm túc trong việc chuyển đổi công nghệ xác thực mạnh ở quốc gia và khu vực này".
Ngoài ra, tại hội nghị, VinCSS đã ký 7 thỏa thuận hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước để ngay lập tức bắt tay, đưa xác thực không mật khẩu vào triển khai sâu và rộng hơn nữa tại Việt Nam cũng như toàn khu vực.
Bình luận (0)