FIFA World Cup Qatar 2022: Bây giờ xin kể chuyện nhậu ở Doha

21/11/2022 08:46 GMT+7

Khi màn đêm buông xuống và Doha rực sáng lung linh, một thế giới của men say trỗi dậy, sôi nổi một cách âm thầm, phía sau những cánh cửa đóng kín.

“Anh đã đặt chỗ trước chưa?”, anh chàng bảo vệ người Kenya hỏi. Tôi bảo chưa, nhưng tôi có những người bạn đang ngồi bên trong sẵn rồi. “Thế anh có mang theo hộ chiếu không? Ảnh chụp cũng được!”. Tôi trình ra đầy đủ giấy tờ, thế là cánh cửa từ từ mở, và tiếng nhạc theo đó tràn ra hành lang chỗ tôi đang đứng.

Doha phía sau cánh cửa

Tôi đến khách sạn Best Western Plus theo một lời hẹn. Nhóm bạn Bồ Đào Nha của tôi vừa đặt chân đến đã sốt sắng đi tìm nơi ăn nhậu, như cách mà họ thường làm trong mỗi dịp theo chân đội tuyển tại các giải đấu. “Họ không cho chúng tôi mang vang Bồ Đào Nha vào. Bên ngoài cũng không có chỗ bán. World Cup này thật là khô. Nhưng anh đến đây đi. Anh sẽ thích nơi này cho mà xem. Duy nhất ở Doha đấy!”, anh bạn José Marques đến từ TP.Coimbra nhắn qua ứng dụng WhatsApp.

Bên trong quán The Irish Pub ở trên tầng 14 khách sạn Best Western Plus. Không khí này có gì đó không giống Doha lắm, nhưng nó diễn ra ở giữa Doha

Đỗ Hùng

Lúc bấy giờ tôi đã rất đuối sau khi trở về từ doanh trại đội tuyển Brazil ở Trung tâm thể thao Al Arabi. Thế nhưng lời của José cứ không ngừng thôi thúc. Không phải mê rượu bia, thứ thôi thúc tôi là cơ hội khám phá, hay ít ra là được quan sát từ cự ly gần, một Doha khác với vẻ bề ngoài kiêng khem của nó.

Đỗ Hùng từ Qatar: Thăm nơi tập luyện đẳng cấp 5 sao của tuyển Brazil

Chỉ 30 phút sau tôi đã từ khu nhà trọ Ezdan Compound Bin Mahmoud chạy tới và có mặt tại hành lang tầng 14 của khách sạn Best Western Plus, một trong ít địa điểm được phép kinh doanh bia rượu tại Doha. Ở đây có một dãy quán rượu khác nhau, có nơi chơi nhạc sống, bán đồ uống không cồn, bao gồm cả bia không cồn; những nơi khác bán bia, thậm chí rượu mạnh, tất cả đều đóng kín cửa mà nếu vô tình đi ngang ngoài hành lang thì tôi cũng chẳng biết bên trong là một thế giới sôi nổi như thế nào. Những tên quán như The Irish Pub Doha, The Krossroads Club hiện lên khẽ khàng phía trên khung cửa. Công đoạn kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ nhiêu khê và kỹ lưỡng. “Anh thông cảm. Không có hộ chiếu, chúng tôi không thể cho vào. Đó là quy định. Chúng tôi phải chấp hành hoặc bị tước giấy phép”, anh quản lý giải thích, trong khi người bảo vệ Kenya đang loay hoay quét mã thẻ Hayya và chụp lại hộ chiếu của tôi.

Tác giả bên trong quán The Irish Pub ở Doha

Sự nghiêm túc của anh quản lý và người bảo vệ phản ánh thái độ của xã hội, tôn giáo và luật pháp đối với hành vi tiêu thụ bia rượu. Thức uống có cồn không phải là bất hợp pháp tại Qatar, nhưng nó được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt. Việc mang rượu bia vào Qatar là bất hợp pháp, dù chỉ một chai nhỏ để trong hành lý. Uống rượu bia hoặc say xỉn nơi công cộng là phạm luật, người vi phạm có thể bị trục xuất, bị phạt tiền hoặc phạt tù. Việc vận chuyển rượu bia cũng không được phép, ngoại trừ việc bạn có giấy phép và đang trên đường mang chai rượu vừa mua từ cửa hàng (có giấy phép) về nhà. Mua bán, cho tặng, mời người Hồi giáo hoặc người vị thành niên uống rượu bia đều phạm luật.

Theo quy định thì người nước ngoài sống tại Qatar có thể mua rượu bia bằng cách xin giấy phép với một khoản lệ phí, nhưng cơ hội cũng không có nhiều bởi chỉ có một công ty được phép nhập rượu và bán ở hai điểm với những hạn chế ngặt nghèo.

Bản tin World Cup 21.11: Valencia xuất sắc giúp Ecuador thắng Qatar | Collina đề cao VAR

Các quán bar được phép bán rượu chủ yếu nằm trên tầng cao khách sạn lớn, khuất khỏi tầm nhìn của người dân địa phương. Ở nơi này, chỉ việc nhìn thấy người khác ngồi nhâm nhi thôi đã là một tội lỗi. Đấy là một thế giới của âm nhạc sôi động, của truyền hình trực tiếp thể thao, của rượu bia tràn trề. Nếu ai đó bắt cóc bạn ở Hà Nội hay Bangkok, bịt mắt lại và khiêng đến thả vào một quán bar ở đây, bạn sẽ thấy không có gì khác biệt. Tất nhiên, trong hoàn cảnh quản lý ngặt nghèo, và trong bối cảnh World Cup diễn ra khiến nhu cầu tăng vọt, các quán bar được phép bán lại nằm trong khách sạn đẳng cấp, khỏi phải nói cũng có thể biết giá cả cao tới mức nào. Một ly nửa lít các loại bia phổ thông giá tương đương 20 USD, tức đâu đó chừng 500.000 đồng cho vài lần nâng lên đặt xuống.

Tôi bước vào quán, chung vui với những người bạn Bồ Đào Nha đã ngồi đấy từ lâu. Đi qua các bàn bên cạnh cụng ly với người Nhật, người Mỹ, người Canada, người Hà Lan. Trong màu áo cờ cổ động viên, họ uống bia và đồng thanh hát những bài cổ vũ cho đội tuyển nước mình, không ngớt khích lệ mọi người hưởng ứng.

Quá nửa đêm, nhiều khách rời đi và nhóm của tôi cũng vậy. “Giờ về căn hộ bọn tôi, chúng ta tiệc tùng tiếp. Nhưng là tiệc chay”, anh bạn Carlos Brum, cổ động viên được coi là nổi tiếng nhất Bồ Đào Nha mà tôi có dịp quen biết đã 10 năm qua các kỳ Euro và World Cup, ghé tai tôi nói.

Chạm tới dòng chảy ngầm lặng lẽ

Tụt xuống từ tầng cao của khách sạn Best Western Plus ở trung tâm Doha, chúng tôi bắt xe Uber chạy về khu dân cư Ain Khalid Gate. Đường phố Doha về đêm tấp nập xe cộ, nhưng tốc độ di chuyển khá nhanh do đường rộng và hoạt động giao thông được tổ chức khoa học.

Bên ly bia, một cổ động viên Bồ Đào Nha giao lưu với một cổ động viên Nhật Bản

Đỗ hùng

“Anh biết nơi nào bán bia không?”, muốn tìm hiểu thêm đời sống ở đây, tôi hỏi anh tài xế Uber gốc Nepal. “Không có đâu”, anh ta đáp. “Anh phải xin giấy phép. Có giấy phép cũng không thể mua được nhiều đâu. Mà tôi thì lại không có giấy phép để mua”. “Sao anh không xin giấy phép?”, tôi hỏi tiếp. Anh chàng nói mình không có nhu cầu. “Tôi không thích rượu bia. Vả lại tôi lái xe, ở đây bị phát hiện lái xe có mùi rượu bia là mọi sự kết thúc. Xin giấy phép tốn tiền nữa”.

Thế rồi đến một lúc nào đấy trong cuộc dạ hành, anh chàng Nepal bất ngờ đưa ra một lời đề nghị. “Các anh mua rượu không?” - câu hỏi giản đơn và rất bình thường nếu ở một nơi chốn khác. Nhưng tại đây, giữa đêm khuya Doha này, câu hỏi giản dị ấy đủ sức khiến những người đàn ông Bồ Đào Nha đang ủ dột tỉnh bừng. “Anh nói gì cơ? Anh bán rượu à?”, một người hỏi. “Không, tôi không bán. Nhưng tôi biết một người bạn còn một chai whisky”. Anh tài xế vừa nói vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem một tấm hình. Đó là một chai Clan MacGregor 750 ml. “Các anh cần thì tôi bảo cậu ấy để lại cho. Giá là 250 riyal”. Tôi nhẩm tính, giá này quy đổi ra tiền VN tầm gần 2 triệu đồng. Tò mò, tôi thử vào Google tra cứu xem ở những nơi khác giá một chai tương đương là bao nhiêu. Hóa ra loại rượu này được bán trên các chợ trực tuyến (tất nhiên bên ngoài Qatar) là 13,9 USD, quy đổi ra tầm 350.000 đồng.

“Anh bạn kia làm cách nào mà có rượu?”, tôi vặn vẹo. “À, anh ấy có giấy phép mua về dùng, nhưng không dùng tới nên bán”, anh lái xe giải thích.

Một lý do rất tự nhiên và một giao dịch rất bình thường, phải không? Nhưng ở đất nước Qatar này, bạn hãy cảnh giác. Giao dịch tưởng chừng như đơn giản và bình thường ấy lại là hành vi phạm luật. Có điều tôi muốn biết rõ hơn nguồn gốc của những chai rượu ấy, nên gặng hỏi: “Nhưng chỉ có một chai thôi à?”. Anh tài xế lúng túng, bảo để gọi điện hỏi lại. Hóa ra không chỉ có một chai. Sau khi bị vặn vẹo, anh tài xế mới kể thật rằng nhiều người dùng giấy phép để mua rượu, sau đó bán lại cho những người có nhu cầu nhưng không có giấy phép. Trong mùa World Cup, cái thị trường cay cay này có vẻ nhộn nhịp hơn khi có rất nhiều cổ động viên bóng đá cần mua rượu bia, giữa bối cảnh chính quyền nước sở tại không nới lỏng chính sách hạn chế.

“Thế là các anh kiếm bộn tiền nhỉ!”, tôi nói đùa. Anh bạn kia nghiêm giọng: “Mọi người tận dụng cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Nhưng làm vậy là phạm pháp. Bị phát hiện sẽ phải ở tù hoặc bị trục xuất. Với tôi mà nói, bị trục xuất là hết đường sống”.

Tôi hỏi: “Nhưng sao mọi người lại mạo hiểm?”. Anh chàng nói rằng bản thân mình không bán, chỉ giới thiệu thôi. “Ai cũng muốn kiếm tiền cả, nên nếu có cơ hội là họ kiếm thôi. Họ nghĩ sẽ không bị phát hiện”.

“Ai cũng nghĩ sẽ không bị lộ cho tới khi bị lộ”, tôi đùa. Cả xe cười ầm lên. Bây giờ đã là rạng sáng của một ngày mới. Doha vẫn sáng rực, còn bụng tôi thì lại đang đói cồn cào, nghĩ tới bữa tiệc sắp tới nơi căn hộ của nhóm bạn Bồ Đào Nha. Thôi thì tiệc chay cũng được!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.