FLC kiến nghị gì sau khi bị hủy niêm yết cổ phiếu?

15/02/2023 12:00 GMT+7

Tập đoàn FLC kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu vì những lý do khách quan và hoàn cảnh bất khả kháng.

Toàn bộ gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20.2. Ngay sau quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) được công bố, Tập đoàn FLC công bố nội dung gửi cơ quan quản lý kiến nghị xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu.

FLC: Chưa có Báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng?

Cụ thể, FLC cho rằng trong thời gian gần đây, công ty và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra (ông Trịnh Văn Quyết nguyên là Chủ tịch HĐQT FLC và một số lãnh đạo đã bị bắt giam về tội làm giá chứng khoán từ cuối tháng 3.2022).

FLC kiến nghị gì sau khi bị hủy niêm yết cổ phiếu? - Ảnh 1.

Cổ phiếu của FLC chính thức bị hủy niêm yết từ 20.2

FLC

Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính. Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20.9.2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Trong thời gian qua, FLC đã liên tiếp có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước để giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Ví dụ, ngày 25.8.2022, FLC đã gửi văn bản số 478 “đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xem xét và có chỉ đạo tới HOSE về việc chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng, không xem xét về việc đình chỉ giao dịch hay hủy niêm yết đối với Tập đoàn FLC cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán kiểm toán và công ty kiểm toán hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC”.

Tiếp theo đó, 10.2 vừa qua, FLC tiếp tục có văn bản đề nghị UBCKNN và HOSE “chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng”.

FLC nhấn mạnh, lý do bị hủy niêm yết xuất phát từ việc chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, trong khi việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và là sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên.

Không có khả năng thay đổi việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC

Nói về kiến nghị của FLC, ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á - cho rằng từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc được xem xét lại. Các trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc đã được quy định rất rõ trong luật như bị lỗ 3 năm liên tiếp, mức lỗ lớn hơn vốn chủ sở hữu hay vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin như FLC.

Hơn nữa, trước khi các sở giao dịch chứng khoán đưa ra quy định hủy niêm yết bắt buộc đều có nhắc nhở, cảnh báo đối với doanh nghiệp khá nhiều lần. Các doanh nghiệp đều có thời gian để khắc phục các vi phạm để tránh việc cổ phiếu bị hủy niêm yết. Đồng thời, FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán trong một thời gian dài là việc riêng của doanh nghiệp. Hay trước đó FLC đề nghị Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán để hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính cũng không phù hợp với quy định.

FLC kiến nghị gì sau khi bị hủy niêm yết cổ phiếu? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu FLC hầu như mất trắng tiền khi cổ phiếu này bị hủy niêm yết

T.N

Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Công ty Luật Nghiêm & Chính - cho rằng những trường hợp được gọi là bất khả kháng được quy định rất rõ trong Bộ Luật Dân sự. Chủ yếu là những trường hợp bị tác động nặng nề như thiên tai, địch họa mà con người không lường trước được. Ngoài ra sẽ có những trường hợp bất khả kháng được thỏa thuận cụ thể trong các hợp đồng kinh tế, dân sự với nhau.

Việc FLC không công bố được báo cáo tài chính kiểm toán, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin nghiêm trọng là quá rõ ràng vì đã được quy định chi tiết theo luật. "Lựa chọn công ty kiểm toán để thực hiện soát xét, kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm là quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, nhất là với công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi không có công ty kiểm toán nào dám hợp tác hay chấp nhận làm việc với FLC thì doanh nghiệp phải tự xem lại bản thân mình, không phải lỗi khách quan. Tôi nghĩ sẽ không có chuyện thay đổi được quyết định cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết", luật sư Bùi Quang Nghiêm chia sẻ thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.