Football Leaks tung bí mật chuyển nhượng: ‘Cuộc chiến’ vì… tiền

29/01/2016 14:05 GMT+7

Đâu là sự thật đằng sau những con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu bảng, euro và USD mà các CLB bóng đá châu Âu bỏ ra để mua về những siêu sao bóng đá đã thành danh hay sẽ tỏa sáng trong tương lai? Football Leaks có câu trả lời.

Đâu là sự thật đằng sau những con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu bảng, euro hay USD mà các CLB bóng đá châu Âu bỏ ra để mua về những siêu sao bóng đá đã thành danh hay sẽ tỏa sáng trong tương lai? Football Leaks có câu trả lời.

Những chi tiết trong bản hợp đồng M.U mua Martial từ Monaco đã được công khai - Ảnh: AFP

Football Leaks khẳng định phương châm của họ là “minh bạch hóa bóng đá”. Và những chi tiết về các bản hợp đồng kỷ lục châu Âu, thế giới được phơi bày, Người hâm mộ và độc giả thích thú theo dõi và bàn luận về các điều khoản Arsenal phải chấp nhận khi mua Mesut Ozil, hay Real chi cả 100 triệu Euro và gần chục điều khoản (thương mại kèm theo) để mua Gareth Bale, hay M.U thực tế sẽ phải trả tới 81 triệu bảng cho Monaco trong những tình huống nào nếu Anthony Martial thực sự tỏa sáng ở Old Trafford…

Nhưng khi cảnh sát Bồ Đào Nha tiến hành vụ điều tra, nghi ngờ những người đằng sau Football Leaks tống tiền các CLB với số tiền trục lợi lên tới cả triệu bảng, câu hỏi đặt ra: Liệu họ có thực sự đấu tranh vì tính minh bạch trên thị trường chuyển nhượng, hay đây chỉ là những kẻ cơ hội?

Thế giới từ lâu đã quen với những khái niệm: số tiền chuyển nhượng giữa 2 CLB được công khai (không tính phí hoa hồng cho người đại diện hay công ty môi giới), phí chuyển nhượng không được tiết lộ, phí chuyển nhượng được trả theo từng giai đoạn thỏa thuận…

Real Madrid được quyền mua lại Ozil và Arsenal không được bán anh này cho Barcelona - Ảnh: AFP

Bởi thế, khi tất cả những con số chi tiết, từ số tiền phải trả lần đầu, lần 2 tới các lần tiếp theo, phí môi giới, thậm chí cả những khoản thưởng cho CLB bán cầu thủ nếu anh ta ghi được hơn 10 bàn/mùa hoặc đóng góp vào việc đội bóng giành danh hiệu…, người ta có cảm tưởng như đang đứng trước bãi tắm khỏa thân ở St Tropez (Pháp) trong một ngày hè nóng nực.

Vậy là, Real không thể chối thêm về mức phí 100 triệu euro đã trả cho Tottenham. Số tiền 36 triệu bảng mà M.U mua Martial từ Monaco, và có thể tăng thành 81 triệu bảng, được phơi bày rõ ràng để dư luận mổ xẻ Ed Woodward tinh ranh hay khờ khạo nhường nào trên thị trường chuyển nhượng. Trong khi đó, Man City cũng chẳng tinh ranh hơn người láng giềng là bao khi mua Eliaquim Mangala từ Porto với số tiền trên 30 triệu bảng…

Đó mới chỉ là câu chuyện về những con cá to. Trong khi đó, danh sách các CLB được nhắc tên trên Football Leaks còn có FC Twente (Hà Lan), Benfica (Bồ Đào Nha), Zenit (Nga)… Chủ tịch Twente đã phải từ chức, ngay khi những tiết lộ đầu tiên về số tiền ra/vào tài khoản CLB được công khai. Benfica chuẩn bị chịu điều tra về số tiền nghi ngờ gian lận thuế, thông qua một công ty đặt trụ sở tại London có tên là XXIII Capital Ltd.

Real Madrid không còn có thể chối cãi số tiền kỷ lục mà họ bỏ ra để mua Bale - Ảnh: AFP

Vấn đề là, đằng sau khát vọng minh bạch hóa ẩn giấu một tham vọng khác: tiền tài.

“Tôi cho rằng một khoản tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu Euro sẽ là khoản đóng góp ích lợi để đổi lấy những tư liệu này”, Artem Lovuzov, người tự xưng là đại diện cho Football Leaks, gửi email tới Nelio Lucas, CEO của Doyen Sports, một công ty môi giới cầu thủ.

“Kể từ khi chúng ta bắt đầu trao đổi công việc, tôi đã ngừng công bố các chủ đề liên quan tới Doyen. Ngoại lệ duy nhất là bức thư do Sporting đề cập trường hợp Marcos Rojo, chủ yếu để báo chí quan tâm. Về các tư liệu này, tôi có thể hủy chúng hoặc chuyển giao cho ngài bằng thẻ nhớ, mà tôi cam đoan không làm thêm bản copy. Thêm nữa, mọi bằng chứng liên lạc sẽ được hủy bỏ, ngài không cần phải vứt bỏ Iphone của mình vào thùng rác”, Lovuzov viết.

Đây là một trong nhiều bức thư gửi tới Doyen Sports. Câu chuyện này xảy ra từ tháng 10.2015. Lucas không bao giờ liên lạc được với Lovuzov sau đó, nhưng các thông tin bắt đầu rò rỉ và bùng nổ trong tháng 12.

Vậy là từ một cuộc thánh chiến vì “tính minh bạch” tới “cuộc chiến trong ngành kinh doanh bóng đá”, người ta không còn biết chính xác đâu là mục đích chính của Football Leaks. Chỉ biết rằng, một lời đề nghị đã bị từ chối và chi tiết hàng chục bản hợp đồng chuyển nhượng kếch xù đã bị tung hê.

Football Leaks đang tung những quả bom vào làng bóng đá thế giới - Ảnh chụp màn hình
Tới đây, một câu hỏi nữa đặt ra: Làm thế nào mà các hợp đồng, bức thư và tài liệu này lại  nằm trong tay Football Leaks? Họ nói rằng mình không phải là hacker, nhưng cũng không minh bạch hóa thông tin về cách thức có được tài liệu.

Với việc các CLB có liên quan từ chối bình luận thêm về vụ việc, cơ quan cảnh sát Bồ Đào Nha có thể mất hàng năm để điều tra vụ án, người hâm mộ có lẽ sẽ không bao giờ biết chân tướng sự thật.

Dư luận vẫn háo hức ngóng đợi thông tin kiểu này mỗi khi thị trường chuyển nhượng mở cửa. Các CLB, công ty môi giới và người đại diện cầu thủ chắc chắn muốn chuyện này chấm dứt. Nhưng, họ sẽ không bao giờ trả tiền cho Football Leaks.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.