FPT IS và Mastercard hợp tác triển khai số hóa thanh toán trong giao thông công cộng

10/09/2024 09:00 GMT+7

Vừa qua, FPT IS đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Mastercard nhằm thúc đẩy triển khai hệ thống thanh toán điện tử EMV OpenLoop và ứng dụng thanh toán bằng thẻ CCCD cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) chịu trách nhiệm khai thác và quản lý.

Sự hợp tác đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai quy trình "thanh toán không tiền mặt" tích hợp công nghệ thanh toán thông minh vào hệ thống giao thông công cộng (GTCC) tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, nâng cấp trải nghiệm dịch vụ công cộng cho hàng triệu người dân sử dụng.

FPT IS và Mastercard hợp tác triển khai số hóa thanh toán trong giao thông công cộng- Ảnh 1.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa FPT IS và Mastercard lần này là điểm khởi đầu cho việc phát triển các công nghệ mua vé điện tử cùng hệ thống thanh toán EMV Openloop trong lĩnh vực GTCC. Thông qua việc áp dụng giải pháp thanh toán bằng CCCD và tận dụng hệ thống thanh toán thông minh EMV OpenLoop, hành khách sẽ được trải nghiệm các thủ tục mua vé tối ưu và hiện đại, đặc biệt là đối với các đối tượng được ưu đãi miễn giảm giá vé.

Việc triển khai hệ thống theo mô hình EMV Openloop giúp người dùng trải nghiệm bằng chính thẻ ngân hàng sẵn có, QR code qua ứng dụng hay CCCD, từ đó không những tạo thói quen thanh toán không tiền mặt mà còn thúc đẩy ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng và ý thức bảo vệ môi trường. Hệ thống này cũng sẽ hỗ trợ Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) số hóa công tác quản lý dữ liệu, từ đó tăng cường hiệu quả cho công tác lên kế hoạch phân bổ, khai thác và vận hành các tuyến dịch vụ phù hợp.

Hệ thống thanh toán EMV Openloop và thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh do FPT IS triển khai cho Mastercard sẽ được chứng nhận an ninh bảo mật và các chứng chỉ theo tiêu chuẩn thanh toán quốc tế toàn cầu, giúp quá trình đăng ký tài khoản, xác thực, thanh toán được kiểm soát chặt chẽ. Hệ sinh thái của EMV loop đa dạng bao gồm: ứng dụng MegaApp, hệ thống quản lý CCCD, ví điện tử và tất cả loại hình thẻ EMV, thẻ ngân hàng đang có trên thị trường…, hành khách không tốn quá nhiều thời gian để mua vé tàu, và có thể thanh toán dễ dàng bằng các loại hình thẻ EMV. Hình thức mua và thanh toán vé điện tử như vậy sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian so với các phương thức truyền thống, chẳng hạn như không cần chuẩn bị tiền lẻ, không phải xếp hàng chờ đợi mua vé, không cần lưu trữ quản lý nhiều loại thẻ vé. Ngoài ra, khách hàng có thể truy cập lịch sử di chuyển, theo dõi hành vi di chuyển, cập nhật các chương trình khuyến mãi và quản lý chi phí hiệu quả.

Thúc đẩy triển khai hệ thống thanh toán điện tử EMV OpenLoop và ứng dụng thanh toán bằng thẻ Căn Cước Công Dân cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Thúc đẩy triển khai hệ thống thanh toán điện tử EMV OpenLoop và ứng dụng thanh toán bằng thẻ CCCD cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Bà Văn Thị Hữu Tâm - Phó giám đốc HURC1 chia sẻ: "Trong bối cảnh tuyến Metro số 1 sắp bước vào giai đoạn vận hành thương mại, với định hướng chuyển đổi số toàn diện, chúng tôi kỳ vọng xây dựng và đưa vào ứng dụng các giải pháp thanh toán hiện đại dành cho hành khách hướng tới việc mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho hành khách khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tại TP.HCM". Với lượng khách dự kiến trong giai đoạn đầu khai thác 40.000 lượt mỗi ngày, việc tối ưu hóa các quy trình và thủ tục mua vé và thanh toán là hết sức quan trọng.

Đại diện Mastercard khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh rằng hệ thống thanh toán điện tử eTicketing & EMV OpenLoop là một bước đột phá trong việc nâng cao trải nghiệm đặt chỗ - thanh toán cho người dân khi sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Với hệ thống thanh toán OpenLoop hiện đại đã được triển khai tại 390 quốc gia, người dân TP.HCM giờ đây có thể dễ dàng thanh toán vé di chuyển bằng thẻ ngân hàng hoặc các thiết bị thông minh như điện thoại di động, đồng hồ thông minh. "Mục tiêu của Mastercard cùng các đối tác là mang đến cho người sử dụng dịch vụ cảm giác an toàn, hài lòng và trải nghiệm mượt mà. Chúng tôi tin rằng, với sự kết hợp giữa công nghệ và kinh nghiệm của Mastercard và FPT IS, hệ thống quản lý thông minh này sẽ trở thành mô hình mẫu mực cho các dự án GTCC khác tại Việt Nam và khu vực", đại diện Mastercard chia sẻ.

Ông Đặng Trường Thạch, Phó chủ tịch Điều hành kiêm Phó tổng giám đốc FPT IS, bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác này: "Dự án không chỉ mang lại lợi ích tiện lợi cho người dân TP.HCM sử dụng các phương tiện giao thông công cộng mà còn mở ra cơ hội lớn cho toàn TP.HCM phát triển thành một thành phố "không tiền mặt", hòa nhập với các nước trong khu vực. Trong hành trình này, tôi rất vinh hạnh song hành cùng Mastercard phát triển tiên phong dịch vụ eTicketing và công nghệ thanh toán EMV OpenLoop cho HURC nhằm phục vụ người dân trên địa bàn thành phố sử dụng các dịch vụ công cộng hài lòng, hiệu quả. FPT IS tin rằng, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và đối tác lớn về thanh toán, cùng quyết tâm của Mastercard và HURC sẽ giúp hành khách có những trải nghiệm khác biệt so với các giao thông công cộng trước đây, từ đó nâng cao việc giảm thiểu năng lượng, hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh của thành phố".

Ông Đặng Trường Thạch cũng mong muốn thông qua hợp tác, FPT IS và Mastercard không chỉ dừng lại ở việc triển khai hệ thống thanh toán cho tuyến metro số 1 mà còn hướng đến một tầm nhìn xa hơn: xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh và bền vững cho TP.HCM. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đưa ra những giải pháp tối ưu, góp phần vào sự phát triển đô thị hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo biên bản ghi nhớ được ký kết, FPT IS và Mastercard sẽ là đối tác chiến lược đồng hành trong việc triển khai công nghệ thanh toán không tiền mặt ở mảng giao thông công cộng tại TP.HCM, sau đó sẽ mở rộng toàn Việt Nam và trong khu vực. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân TP.HCM mà còn tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển các giải pháp công nghệ cao cho hạ tầng giao thông công cộng tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.