Hành động đơn phương chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ khiến việc thực thi Hiệp ước Nhâm Tuất gặp trở ngại, La Grandière muốn thảo luận với đại diện triều đình Huế một dự thảo hiệp ước mới (12 điều). Vua Tự Đức cử Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường vào Sài Gòn thương thuyết với Soái phủ Nam kỳ (Gouvernement des Amiraux) nhưng kết quả không mấy khả quan. Dù rất muốn mang về Paris bản hiệp ước mới nhưng La Grandière đành phải rời Sài Gòn tay không vào ngày 4.4.1868. Hai năm sau khi rời Sài Gòn, La Grandière mới chính thức từ chức Thống soái vì lý do sức khỏe vào ngày 5.4.1870, ông không có cơ hội trở lại Sài Gòn lần nào nữa.
Chân dung Đại úy hải quân Francis Garnier |
Thư viện Quốc gia Pháp |
Trong khoảng thời gian La Grandière vắng mặt, vùng đất Nam kỳ do các Thống soái tạm quyền quản lý, lần lượt là Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier từ ngày 4.4.1868 đến 10.12.1869 và Đề đốc Alphonse Jean Claude René Théodore (tức Bá tước Cornulier Lucinière) từ ngày 10.1.1870 đến 1.4.1871. Việc ký kết hiệp ước mới vẫn không có tiến triển, trong khi Hiệp ước 1862 không còn hiệu lực thi hành giữa Đại Nam và Pháp.
Quân Pháp tấn công cửa Đông Nam thành Hà Nội ngày 20.11.1873 |
EFEO |
Khi tình hình thương thảo giậm chân tại chỗ, Soái phủ Nam kỳ thông báo cho triều đình Huế rằng phía Đại Nam phải từ bỏ mọi quyền hành ở ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, nghĩa vụ bồi thường chiến phí cho Tây Ban Nha vẫn phải thực thi cũng như mọi việc chuyển nhượng đất đai Nam kỳ nếu có phải được phía Pháp thông qua (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, DTBooks và NXB Khoa học xã hội, 2017, tr.55). Triều đình Huế tất nhiên là phớt lờ thông báo này nhưng cũng không cho thấy những hành động đáp trả cần thiết, ngay cả khi nước Pháp thất trận trước Phổ ở Sedan ngày 2.9.1870 (tin này về đến Sài Gòn ngày 25.9.1870) dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ nhị Đế chế.
Ngược dòng Mekong… để khám phá Bắc kỳ
Ngày 1.6.1866, Thống soái La Grandière ký quyết định số 81 thành lập “Ủy ban thám hiểm sông Mekong” do trung tá Doudart de Lagrée đứng đầu, nhằm tìm con đường thông thương, mở rộng thương mại giữa Sài Gòn với miền nam Trung Hoa, chuyến đi không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Bấy giờ, một thành viên của phái đoàn là đại úy Francis Garnier đã tiến hành thăm dò thượng lưu sông Hồng, nhận thấy rằng thủy lộ từ sông Hồng qua Vân Nam (Trung Hoa) là tuyến giao thương thuận lợi. Tuy nhiên, theo Hiệp ước 1862 thì người Pháp chỉ được vào buôn bán ở ba hải cảng Tourane, Ba Lạt và Quảng Yên (điều 6, khoản 1).
Người Pháp không được phép tự do ra vào các cảng ở Bắc kỳ, vì vậy can thiệp vào Bắc kỳ sẽ là hành động tiếp theo mà Soái phủ Nam kỳ nhắm tới. Kế hoạch này được vị Thống soái mới là Đề đốc Dupré (được bổ nhiệm ngày 15.1.1871, tới Sài Gòn nhận nhiệm sở ngày 1.4.1871) tán thành, Dupré cũng là Thống soái Nam kỳ đầu tiên của nền Đệ tam Cộng hòa Pháp (thành lập ngày 4.9.1870).
Francis Garnier nói với thương gia người Pháp Jean Dupuis về phát hiện thủy lộ này. Cuối năm 1872, Dupuis chở khí giới ngược dòng sông Hồng vào tỉnh Vân Nam, khi chở hàng hóa (thiếc và đồng) xuôi dòng sông Hồng ngày 30.4.1873 thì gặp sự cố với chính quyền sở tại. Dupuis phản ứng, cướp một con phố ở Hà Nội và dọa sẽ tấn công thành, đồng thời gửi lời cầu cứu đến Soái phủ Nam kỳ. Ngay lập tức Dupré nhìn thấy cơ hội để tiến hành can thiệp vào Bắc kỳ, tuy nhiên viên thống soái rất thận trọng.
Trước những chất vấn của triều đình Huế về hành động của Dupuis, Dupré phủ nhận sự liên quan của Soái phủ Nam kỳ, đồng thời ông ta viết thư yêu cầu Dupuis rời khỏi sông Hồng và trách cứ viên thương gia này. Diễn biến ở Bắc kỳ tiếp sau đó khiến Dupré dần thay đổi quan điểm, ngày 22.7.1873 ông triệu tập Francis Garnier, bấy giờ đang nghỉ phép, về Sài Gòn để trao cho viên sĩ quan này nhiệm vụ mới.
Ngày 11.10.1873, Francis Garnier ra Bắc kỳ với sứ mệnh giải quyết vấn đề của Dupuis với quan sở tại phía Đại Nam, tám ngày sau khi đến Hà Nội (5.11) thì Garnier thay đổi kế hoạch, viên đại úy yêu cầu triều đình Huế mở cửa sông Hồng để Pháp và Tây Ban Nha thông thương với người Hoa qua cửa ngõ Vân Nam.
Hai bên xảy ra bất đồng, ngày 20.11.1873 Francis Garnier dùng vũ lực tấn công và chiếm được thành Hà Nội dẫn đến cái chết của Khâm mạng Bắc kỳ, Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Cũng như việc bất ngờ chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ của La Grandière hồi tháng 6.1867, hành động tấn công quân sự táo tợn (lần lượt chiếm Hà Nội, Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định) của Garnier tuy trái lệnh cấp trên nhưng lại mở ra cơ hội bằng vàng để người Pháp đặt những bước chân đầu tiên vững chắc vào vùng đất Bắc kỳ.
Triều đình Huế liền gửi thư cho viên thống soái trách móc. Hai ngày sau khi Garnier chiếm Ninh Bình (5.12) thì ở Soái phủ Nam kỳ Dupré cử đại diện là thông ngôn Philastre ra Huế để dàn xếp vụ việc, lúc này một sứ đoàn Đại Nam do Lê Tuấn làm chánh sứ đang ở Sài Gòn (từ ngày 31.8.1873) đàm phán với Dupré.
Ngày 7.12.1873, Philastre lên tàu Décrès ra Huế, cùng đi có phó sứ trong sứ đoàn Đại Nam là Tả Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Tường, để thương lượng chuyện trả lại thành Hà Nội kèm theo một số yêu cầu của phía Pháp như tạm thời mở cửa sông Hồng để người Pháp và Trung Hoa vào buôn bán, tạo vùng phi quân sự xung quanh thành Hà Nội…
Tin tức thất trận ở Bắc kỳ liên tiếp truyền về kinh đô khiến vua Tự Đức lo lắng, triều đình Huế yêu cầu Philastre phải giải quyết vấn đề Garnier mới đồng ý thảo luận hiệp ước mới. Không còn cách nào khác, Philastre ngược ra Bắc, đồng thời viết thư (ngày 18.12.1873) giải thích lý do với cấp trên về những sự biến phức tạp ở Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định do Garnier gây ra. Quyết định ra Bắc kỳ của Philastre được Dupré chấp thuận sau đó. (còn tiếp)
Bình luận (0)