G20 muốn đánh thuế mới lên các đại gia công nghệ

24/02/2020 18:51 GMT+7

Các nhà lãnh đạo G20 đang để mắt tới mức doanh thu thuế quốc gia lên đến 100 tỉ USD mỗi năm.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải thể hiện sự thống nhất trong việc đối phó với “tối ưu hóa thuế” trước những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Amazon và Facebook, Reuters trích lời các quan chức G20 hôm 22.2 cho biết.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang xây dựng bộ quy tắc toàn cầu với mục đích khiến các công ty công nghệ phải nộp thuế ở nơi họ kinh doanh, thay vì ở nơi đăng ký công ty con. Điều này có thể thúc đẩy doanh thu thuế quốc gia tổng cộng khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.
Lời kêu gọi đoàn kết chủ yếu hướng đến Mỹ, quê nhà của các hãng công nghệ lớn nhất thế giới, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng bế tắc về quy tắc có thể có từ giờ cho đến sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
“Không có thời gian để chờ đợi cuộc bầu cử. Điều này cần sự lãnh đạo ở một số nước nhất định”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói và nhìn thẳng vào Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngồi cạnh ông tại một hội thảo về thuế bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 và các ngân hàng trung ương.
Đánh thuế vào các hãng công nghệ lớn và ảnh hưởng từ sự bùng phát virus Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu là một trong những chủ đề nóng được giới lãnh đạo tài chính G20 tranh luận trong những cuộc hội đàm tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út cuối tuần này. OECD muốn thiết lập mức hiệu quả tối thiểu mà các ông lớn công nghệ sẽ bị đánh thuế và tìm kiếm thỏa thuận vào đầu tháng 7.2020, với sự xác nhận của G20 vào cuối năm nay.
“Sự phối hợp không phải là cách tốt nhất để đi về phía trước, nhưng nó đưa ra những lựa chọn thay thế, và đó là cách duy nhất để đi về phía trước”, người đứng đầu OECD Angel Gurria nói.
Trong dự thảo thông cáo G20 mà Reuters đọc được cho thấy các nhà lãnh đạo tài chính sẽ tán thành cách tiếp cận vấn đề của OECD trong việc buộc các công ty công nghệ lớn phải đóng thuế tại nơi kinh doanh và cần thiết phải có mức thuế tối thiểu.
Nỗ lực của OECD đã bị đình trệ vào cuối năm ngoái do những thay đổi vào phút cuối bởi yêu cầu từ phía Mỹ, điều mà nhiều quan chức G20 xem như sự miễn cưỡng để đối phó với một vấn đề khó khăn về mặt chính trị trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.