G7 cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

21/05/2016 17:13 GMT+7

Quan chức tài chính các nền kinh tế thuộc khối G7 vừa họp tại Nhật Bản. Lo ngại tăng trưởng toàn cầu sụt giảm và tái khẳng định cam kết không phá giá nội tệ là hai trong số những nội dung được thảo luận.

Theo Bloomberg, ngày cuối cùng của cuộc họp góp mặt thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước thuộc khối G7 vừa nhấn mạnh các rủi ro từ khủng bố, dòng người tị nạn, xung đột chính trị và khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU)

Nước chủ nhà Nhật Bản cho rằng giao dịch đồng yen Nhật gần đây một chiều và có dấu hiệu đầu cơ, trong khi các lãnh đạo khác đồng ý không lấy nội tệ làm công cụ chính thúc đẩy tăng trưởng, cảnh báo những hậu quả tiêu cực từ động thái gây rối tỷ giá hối đoái. Yen Nhật tăng 9% trong năm nay, tác động đến các nhà xuất khẩu và làm dấy lên suy đoán rằng chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp.

Căng thẳng về nội tệ Nhật hiện hữu rõ trong cả buổi họp tổ chức tại một khu nghỉ mát suối nước nóng phía bắc Nhật Bản. Khi quốc gia Đông Á cảnh báo về tác động của các điều kiện mất trật tự của thị trường tiền tệ, quan chức cấp cao phía Mỹ bất đồng, cho rằng các điều kiện kinh doanh vẫn đang trật tự.

Ngoài tiền tệ, các nhà quản lý không đồng thuận chi tiết về cách thức vực dậy tăng trưởng kinh tế thế giới. G7 cho rằng một nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và cấu trúc cần được sử dụng để đạt được mục đích này. Các nước thuộc khối G7 có quan điểm khác biệt về việc chính phủ có nên chi tiêu thêm hay không. Trong khi Nhật Bản và Canada đồng ý, Đức không cho rằng nên tăng chi tiêu công.

Tuy nhiên, khi nhắc đến việc Anh quốc rời EU, cả khối G7 đều cho rằng đây sẽ là quyết định sai lầm và làm tổn thương tăng trưởng kinh tế đất nước. Các quan chức cũng kỳ vọng EU sẽ đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tuần tới.

Một vài chủ đề khác được nhắc đến trong cuộc họp này là cách giải quyết tình trạng trốn thuế xuyên biên giới và cách thức chống tài trợ khủng bố. Quan chức tài chính bảy nước gồm Anh, Canada, Ý, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ  cùng các lãnh đạo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và EU góp mặt trong kỳ họp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.