Hãng AFP hôm qua đưa tin lãnh đạo các nước G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản) cam kết cùng nhau đưa lao động trở lại làm việc một cách an toàn nhằm phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tại cuộc họp trực tuyến do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì trong cương vị chủ tịch luân phiên năm nay, nhóm này thảo luận hướng giải quyết bài toán khó. “Lãnh đạo các nước G7 giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng cùng nhau phối hợp chuẩn bị mở cửa lại các nền kinh tế một cách an toàn và trên cơ sở cho phép các thành viên phục hồi tăng trưởng kinh tế với hệ thống y tế có sức đàn hồi tốt hơn và chuỗi cung ứng đáng tin cậy”, theo thông cáo Nhà Trắng đưa ra sau cuộc họp. Liên quan công tác đối phó dịch Covid-19, G7 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu về dịch tễ và đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu.
Sau khi tham gia cuộc họp trực tuyến của G7, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ra thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại trong việc giúp thế giới vượt qua khủng hoảng và đảm bảo phục hồi kinh tế hiệu quả.
EU nhấn mạnh G7 cần dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng “thế giới hậu khủng hoảng Covid-19” với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế và lấy đa phương hóa làm nòng cốt trong hành động. Bên cạnh đó, EU cam kết tiếp tục phối hợp với các nước dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch, đồng thời kêu gọi G7 cùng tham gia nỗ lực này.
Xem lại WHO, nghi ngờ Trung Quốc
Tại cuộc họp, G7 nhấn mạnh cam kết phối hợp toàn cầu trong ứng phó Covid-19 và thảo luận về vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). “Các lãnh đạo ghi nhận rằng các nước G7 hằng năm đóng góp hơn 1 tỉ USD cho WHO, phần lớn cuộc trao đổi tập trung vào việc thiếu minh bạch và tình trạng quản lý tồi mãn tính của WHO đối với đại dịch. Các lãnh đạo kêu gọi xem xét kỹ lưỡng và có quy trình cải cách”, theo thông cáo của Nhà Trắng. Cùng ngày (17.4), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói sẽ xem xét lại việc đóng góp tài chính cho WHO sau khi đại dịch kết thúc.
Viết trên Twitter tối qua (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc vừa công bố số tử vong vì Covid-19 cao gấp đôi so với trước đó, đồng thời cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều so với Mỹ.
|
Trong khi đó, giới lãnh đạo châu Âu đang tỏ ra hoài nghi về cách Trung Quốc xử lý các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo sẽ có những đánh giá sau khi dịch qua đi. Trong cuộc họp báo tại phủ thủ tướng Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab tuyên bố mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai sẽ không thể bình thường như trước.
Về phía Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng có những “vùng xám” trong cách xử lý của Trung Quốc đối với dịch Covid-19 và “rõ ràng có những điều đã xảy ra nhưng chúng ta không biết”. Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Financial Times, Tổng thống Macron nói không thể so sánh việc chống dịch tại Trung Quốc với các nước phương Tây vì có sự khác biệt về thể chế lãnh đạo.
“Đừng quá ngây thơ khi nghĩ rằng họ đã xử lý tốt hơn chúng ta trong dịch Covid-19 này”, ông Macron nhận xét. Reuters hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này chưa bao giờ che giấu về dịch Covid-19.
Chứng khoán toàn cầu tăng vọt
Hãng Reuters hôm qua đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại theo từng giai đoạn. Theo Bloomberg, kế hoạch của Mỹ là một trong những dấu hiệu tích cực giúp chứng khoán toàn cầu tăng vọt. Tại Mỹ trong ngày 16.4 (giờ địa phương) hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc tăng hơn 800 điểm, tương đương 3,4%. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng tăng lần lượt 3,2% và 2,1%. Hôm qua, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 2,6%. Cổ phiếu tại Trung Quốc cũng giao dịch khởi sắc với chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,89%, còn chỉ số tổng hợp Thâm Quyến tăng 1,118%.
|
Bình luận (0)