AFP ngày 29.4 đưa tin, cuộc họp của các bộ trưởng G7 tại Turin là phiên họp chính trị lớn đầu tiên kể từ khi nhiều quốc gia thế giới cam kết giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do UAE tổ chức hồi năm ngoái. Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh xuất hiện báo cáo mới của một viện khí hậu toàn cầu cho thấy G7 đang không đạt được mục tiêu đề ra.
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng Môi trường của G7, bao gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý, sẽ tiến hành 4 phiên làm việc trong 2 ngày tại Cung điện Venaria (Ý). Các phái đoàn từ Dubai, Azerbaijan, Brazil cũng tham gia sự kiện này.
Đặt mục tiêu mới tham vọng
Trong tuyên bố trước thềm hội nghị G7, Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Ý Gilberto Pichetto Fratin bày tỏ mong muốn biến cuộc họp tại Turin trở thành "mắt xích chiến lược" giữa COP28 và COP29 - dự kiến diễn ra vào tháng 11 sắp tới tại Azerbaijan. Đồng thời, ông Fratin nhấn mạnh mục tiêu của cuộc họp G7 lần này là đảm bảo lộ trình do COP28 đặt ra trở nên "khả thi, thực tế và rõ ràng".
Các cuộc đàm phán G7 dự định nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu quan trọng, cũng như tái sử dụng khoáng sản. Phía Ý cho biết đất hiếm và năng lượng tái tạo sẽ là một phần thảo luận với các phái đoàn châu Phi được mời tới cuộc họp ở Turin.
Được biết, Canada, Pháp, Đức và Anh đang kiến tạo một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm ô nhiễm nhựa. Do đó, G7 được cho là nơi để 4 nước này kêu gọi thêm sự tham gia từ Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Ý cho biết G7 sẽ thảo luận về các mô hình tài chính "sáng tạo" trong bối cảnh xuất hiện nhiều lời kêu gọi về gói tài chính dễ tiếp cận hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra toàn cầu?
Nhóm G7 chiếm khoảng 38% nền kinh tế toàn cầu và chịu trách nhiệm về 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2021. Một báo cáo của Viện chính sách Phân tích khí hậu tuần trước đánh giá rằng không có thành viên nào trong nhóm G7 đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính đến năm 2030. Thay vào đó, các quốc gia này nỗ lực cắt giảm nhiều nhất là khoảng một nửa mức cần thiết.
Ông Luca Bergamaschi, người sáng lập tổ chức nghiên cứu khí hậu ECCO (Ý) đánh giá rằng các quyết định của G7 có tác động lớn đến thị trường, cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư. Do đó, vai trò điều phối của Ý tại cuộc họp G7 ở Turin "sẽ được theo dõi chặt chẽ".
Bình luận (0)