Gà ngoại ép gà nội

19/05/2023 05:30 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản do tình trạng thua lỗ kéo dài, đến nỗi Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan xem xét một số giải pháp cấp bách và lâu dài.

Giá gà tiếp tục giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg

Giữa tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Ngọc, ở ấp Thái An, xã Tân An (H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), thả lại lứa gà mới vì không thể cứ để tình trạng treo chuồng kéo dài kèm theo hy vọng giá sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này thị trường không lạc quan như ông Ngọc kỳ vọng, nếu không muốn nói là tệ hơn khi giá gà tiếp tục giảm mạnh.

Gà ngoại ép gà nội - Ảnh 1.

Giá gà nội giảm do ảnh hưởng từ gà nhập khẩu

CHÍ NHÂN

Giá gà lông trắng hiện chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ riêng tiền cám để nuôi đạt 1 kg gà đã hơn 21.000 đồng; đó là chưa kể tiền con giống, thuốc thú y, điện nước, nhân công, thuế, phí…

"Một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước thua lỗ kéo dài là do tình trạng gia cầm thải loại nhập khẩu; bên cạnh đó là các phụ phẩm của quá trình giết mổ như xương, lòng gia cầm gia súc nhập khẩu với giá rẻ hơn bèo khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh", ông Ngọc thông tin.

Gà thịt là vậy, gà đẻ trứng cũng không khỏi khó khăn. Ông Khoa Phạm, một trong những người nuôi gà đẻ quy mô lớn ở Đồng Nai, cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay giá trứng luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất 1.700 đồng/quả. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, các bếp ăn công nghiệp ở những cơ sở sản xuất như da giầy, may mặc giảm mạnh; điều này làm cho sức tiêu thụ trứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ NN-PTNT cho biết: Trong tháng 4, giá gà công nghiệp lông trắng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam giảm đến 5.000 - 6.000 đồng/kg. Cụ thể, gà lông trắng tại Đồng Nai là 19.000 đồng/kg còn Vĩnh Long là 20.000 đồng/kg. Riêng gà lông màu tăng 2.000 đồng lên 32.000 - 33.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá trứng gà giảm 50 đồng ở các tỉnh miền Bắc và giảm 100 đồng ở các tỉnh miền Trung và Nam, giá phổ biến từ 1.600 - 2.000 đồng/quả tùy chất lượng và khu vực. Nguyên nhân là do sức mua thấp.

Gà nhập chiếm đến 25% thị phần?

Giá gà trong nước giảm, ngoài nguyên nhân sức mua thấp còn do lượng thịt nhập vào VN không những không giảm mà còn tăng.

Riêng với gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm tăng liên tục, ước tính chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta. Bên cạnh đó, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào VN tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào VN mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Cũng theo ông Sơn, đặc biệt đáng quan tâm là có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như: chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, loại gà này phần lớn tại các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho người) vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường VN làm thực phẩm cho người.

"Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta", ông Sơn lo ngại.

Với người chăn nuôi như ông Khoa Phạm thì việc nhập khẩu là theo quy luật thị trường, khi có nhu cầu và giá cả mang tính cạnh tranh thì các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ sẽ được nhập về nhiều. Tuy nhiên, nếu là các sản phẩm thải loại, không tốt cho sức khỏe và không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sẽ gây nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng và các vấn đề dịch tễ. Những sản phẩm như vậy được nhập về nhiều với giá rẻ sẽ làm ngành chăn nuôi trong nước không thể phát triển. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần cân nhắc.

Bất cập trong quản lý chất cấm

Người đứng đầu VIPA cho biết thêm việc quản lý chất cấm trong ngành chăn nuôi hiện còn nhiều bất cập, không rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở nước ta. Nguyên nhân vì nó có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng sản phẩm có chứa chất này. Tuy nhiên, nghịch lý là hằng năm VN vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt heo, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng 2 chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.

VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.

Cần chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu ngành chăn nuôi

Theo VIPA, thời gian qua các dữ liệu về kết quả sản xuất, thương mại hằng năm của ngành gia cầm nước ta giữa các bộ ngành và hiệp hội chưa có sự thống nhất và thậm chí có thời điểm chưa sát với thực tế. Mặt khác, việc chia sẻ số liệu thống kê giữa các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội không có căn cứ để đánh giá, nhận định đúng thực trạng từng ngành hàng, nên doanh nghiệp khó định hướng được chiến lược hiệu quả và bền vững. Vì vậy, VIPA kiến nghị các bộ ngành có liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng sớm thống nhất các phương pháp thống kê.

Thủ tướng hỏa tốc yêu cầu ngăn chặn gia cầm trái phép vào VN

Ngày 18.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg hỏa tốc yêu cầu các bộ, ban, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố: Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào VN.

Công điện của Thủ tướng nêu: Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào VN diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Nguy cơ các chủng vi rút cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài lây lan là rất cao.

Thủ tướng yêu cầu tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào VN. Trường hợp phát hiện các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của VN và Tổ chức Thú y thế giới để thúc đẩy xuất khẩu. Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại điều 6 luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.