Gà ngoại tung hoành, gà nội gặp khó

22/12/2018 07:08 GMT+7

Trước thực tế gia cầm nhập lậu tăng mạnh, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn mới ban hành công văn khẩn để kiểm soát tình trạng này.

Gà đông lạnh tràn lan

Phần nổi của tảng băng
Theo các chuyên gia, việc buôn lậu gia cầm qua đường biên giới trước nay vẫn khá phổ biến. Việc phát hiện tình trạng buôn lậu như công bố mới đây của Bộ NN-PTNT chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Tình trạng buôn lậu gà qua đường biên giới trước giờ vẫn thường diễn ra, đó thường là các sản phẩm thải loại và kém chất lượng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Đó mới chính là vấn đề đáng lo lắng.
Báo cáo thống kê gần đây của ngành hải quan cho thấy bình quân VN nhập khẩu đến 15.000 tấn thịt gà mỗi tháng. Đáng nói, giá thịt gà nhập khẩu chưa tới 1 USD/kg, chưa bao gồm các khoản thu, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi gia cầm trong nước.
Tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, gà sống có giá khoảng 120.000 đồng/kg. Việc bán gà sống vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn tồn tại vì nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn rất phổ biến. Loại gà này nếu làm sẵn có giá 130.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại gà đông lạnh gắn mác gà thả vườn. Các loại gà đông lạnh nguyên con hay từng bộ phận như: đùi, cánh, ức… chỉ có giá khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại. Trứng gà công nghiệp có giá từ 23.000 - 25.000 đồng/chục; trứng vịt có giá từ 22.000 - 27.000 đồng/chục tùy loại.
“Đùi gà này là hàng trong nước. Người ta lấy ức xuất khẩu còn đùi không xuất được nên mới giá rẻ vậy. Đây là sản phẩm gà công nghiệp trong nước không phải hàng đông lạnh nhập khẩu đâu. Em cứ yên tâm. Chị bao giá luôn, nếu mua từ 5 kg trở lên sẽ bớt thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg”, một tiểu thương ở chợ Hòa Bình (Q.5) nhiệt tình tiếp thị.
Tại nhiều chợ truyền thống, số lượng các quầy sạp thường bán chung nhiều loại gà nhưng lượng gà thịt đông lạnh luôn chiếm tỷ lệ áp đảo. Một tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cho biết: Trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 60 - 80 kg sản phẩm gà đông lạnh các loại, nhiều gấp 2 lần so với gà tươi sống trong nước. Khách hàng chủ yếu là các quán ăn và giới bình dân.
Khoảng 2 tháng trước, sản phẩm gà mái đẻ nguyên con có giá chưa tới 40.000 đồng/con được tiêu thụ mạnh. Sau khi báo chí lên tiếng về nguồn gốc là sản phẩm gà thải loại xuất xứ Hàn Quốc và những lo ngại về sức khỏe, người tiêu dùng hạn chế sử dụng.
Theo tìm hiểu, các tiểu thương và một số kênh phân phối chỉ đổi cách bán hàng từ nguyên con sang hình thức cắt ra thành từng bộ phận để bán và thậm chí là chế biến sẵn như: quay, nướng… Đại diện một đầu mối phân phối gà nhập khẩu cho biết, gà Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía bắc còn trong miền Nam hầu hết là gà đông lạnh, vì số lượng gà qua đường tiểu ngạch hạn chế và việc di chuyển vào miền Nam không thuận lợi. Thời gian qua giá gà trong nước khá cao nên hàng ngoại về nhiều hơn mấy năm trước.

Báo động gà lậu

Hồi cuối năm 2017, giá gà thịt lông trắng 29.000 - 30.000 đồng/kg, gà thịt lông màu 33.000 - 35.000 đồng/kg; giá trứng gà 1.750 - 1.800 đồng/quả. Tuy nhiên đến tháng 9.2018, Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, giá gà thịt lông màu ở Đông Nam bộ và ĐBSCL giảm 8.000 - 9.000 đồng/kg, gà lông màu giảm 6.000 - 7.000 đồng/kg; giá trứng giảm 200 - 400 đồng/quả so với cuối năm 2017. Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết: Do gà nhập về nhiều nên hiện nay giá gà tại các trang trại chỉ còn khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước khiến người chăn nuôi gặp khó.
Tổng đàn tăng, nguồn nhập cũng tăng, nên giá giảm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người chăn nuôi còn phải đối mặt với một rủi ro khác quan trọng hơn đó là gà nhập lậu. Chỉ tính riêng cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm 2018 đến nay đã bắt giữ và xử lý trên 102 vụ vận chuyển trái phép với tổng số trên 118.000 con gia cầm giống, trên 3.000 kg gia cầm thịt và 26.000 quả trứng.
Bộ NN-PTNT nhận định: chiều hướng nhập lậu nêu trên có thể tăng mạnh trong các tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Gia cầm nhập lậu dễ dẫn đến nguy cơ rất cao về xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm. Bộ đề nghị các địa phương và ngành chức năng phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.