Gác bằng cử nhân… đi làm từ thiện

01/05/2022 07:22 GMT+7

Tốt nghiệp ĐH Luật, anh Trần Huỳnh Hoài Phong không đi làm việc mà ở nhà buôn bán rồi thành lập đội tình nguyện giúp người bị nạn. Trong 4 năm qua, đội của anh đã giúp đỡ hơn 6.000 trường hợp.

Anh Phong (35 tuổi, ngụ P.5, TP.Trà Vinh, Trà Vinh) hiện là Đội trưởng Đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ tỉnh Trà Vinh.

Mỗi năm hơn 1.200 trường hợp

Anh Phong kể năm 2014 anh hai của anh bị tai nạn giao thông nằm ở hiện trường nhiều giờ, trời lại mưa nên không có người đưa đi cấp cứu. Từ đó, anh mơ ước khi có điều kiện sẽ thành lập đội tình nguyện cứu người.

Năm 2016, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh tiếp tục học ĐH Luật và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, có bằng cử nhân, anh không đi làm mà cùng một số người bạn thành lập Đội thanh niên xung kích TP.Trà Vinh, trực thuộc Thành đoàn Trà Vinh, với 10 thành viên. Công việc của đội là hỗ trợ người gặp tai nạn, đưa đi cấp cứu, vá xe, sửa xe… vào ban đêm hoàn toàn miễn phí. Thấy được việc làm ý nghĩa này, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp kinh phí để đội hoạt động. Đến năm 2018, đội được tặng 2 xe cấp cứu nên mở rộng địa bàn hỗ trợ người dân lên bán kính 20 km.

Đội thanh niên xung kích cứu giúp một trường hợp gặp nạn ở tỉnh Trà Vinh

XUÂN PHÚC

“Được tặng xe, chúng tôi mừng lắm vì có phương tiện chuyên dụng cấp cứu người bị nạn. Do mở rộng bán kính đến 20 km từ trung tâm TP.Trà Vinh, nên đội đã xin về trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đội hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không nhận bất cứ khoản thù lao nào của gia đình nạn nhân hay của người khác. Các tổ chức, cá nhân muốn hỗ trợ thì chuyển khoản về số tài khoản của đội và hằng tháng đều có sao kê, báo cáo cho đơn vị chủ quản. Mỗi trường hợp cấp cứu, giúp đỡ người bị nạn đều được ghi sổ sách rõ ràng”, anh Phong cho biết.

Hiện nay, đội tình nguyện của anh Phong có 24 thành viên và 4 tài xế ô tô. Các thành viên tham gia đều có đơn tình nguyện và tự nhận trực đêm lần lượt theo các ngày trong tuần, đảm bảo ngày nào cũng có một nhóm. Nhóm chủ yếu hoạt động vào ban đêm để giúp đỡ người gặp nạn. “Trung bình, mỗi năm đội giúp đỡ hơn 1.200 trường hợp, tính đến nay có hơn 5.000 trường hợp được giúp đỡ. Ngoài ra, đội còn vận động hỗ trợ mai táng cho khoảng 1.000 trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thấy đội hoạt động hiệu quả, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ đội thêm 2 xe cấp cứu để giúp đỡ người dân”, anh Phong thông tin.

Làm mệt vẫn tươi cười

Theo anh Phong, thành viên trong đội đa phần là lao động tự do, có một số cán bộ nhà nước và cả sinh viên nữa. Tất cả đều tham gia bằng cái tâm, muốn giúp đỡ mọi người nên rất nhiệt tình. “Tôi nhớ một đêm cao điểm nhất, chúng tôi giúp đỡ 13 vụ, 2 xe cấp cứu chạy liên tục đến sáng mới trở về. Ai nấy cũng rã rời nhưng đều nở nụ cười vì giúp được nhiều người”, anh Phong chia sẻ.

Phạm Thị Tường Vy (21 tuổi), sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết trong thời gian học tại trường, thấy việc làm ý nghĩa của Đội thanh niên xung kích nên viết đơn tình nguyện tham gia. Mục đích là để cứu giúp người dân gặp tai nạn, bất trắc vào ban đêm. “Em tham gia đội cũng được hơn một năm rồi, thấy giúp được người khác em mừng lắm. Vì nếu người thân mình mình gặp nạn được người khác giúp như thế thì quá tuyệt vời. Khi ra trường, có việc làm, em vẫn tiếp tục tham gia đội”, Tường Vy vui vẻ nói.

Anh Sơn Ngọc Sáng (29 tuổi, ngụ P.8, TP.Trà Vinh) cho biết đầu năm 2022, trong lúc anh chở vợ mang bầu đi công việc thì không may gặp tai nạn giao thông. Lúc này trời tối, anh gọi điện thoại nhờ xe cấp cứu của bệnh viện đến nhưng không được. Rất may, khi gọi số đường dây nóng của Đội thanh niên xung kích thì họ đến ngay. “Thấy anh em đến, tôi mừng lắm. Nhờ vậy mà vợ tôi được đưa đi cấp cứu kịp thời, thai nhi cũng ổn, tôi cảm ơn dữ lắm. Có dịp tôi sẽ quay lại cảm ơn mấy anh em trong đội”, anh Sáng kể.

Kể về những khó khăn, vất vả của đội, anh Phong cho biết những lúc cứu giúp người gặp tai nạn say xỉn, chẳng những không được cảm ơn mà còn bị đánh. Nhưng mấy anh em trong đội vẫn vui vẻ làm. Nhiều khi, ban ngày đi làm về chưa kịp ăn cơm, gặp ca cấp cứu thì mấy anh em nhảy lên xe đi liền, chẳng kịp ăn gì nữa, tối về úp gói mì cho qua cơn đói. “Họ say xỉn, tưởng mình làm gì họ rồi họ quơ tay, quơ chân loạn xạ. Có lần, chúng tôi đang sơ cứu một ông say rượu ngã xe thì bạn nhậu ông ta chạy đến, tưởng tôi đánh ổng nên tống cho tôi một đạp. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm duy trì đội này đến cùng. Nhiều khi về nhà còn bị cha mẹ và vợ rầy vì không biết giữ sức khỏe, đi cả đêm về sáng phải phụ gia đình buôn bán. Nhưng mình làm vì cái tâm từ thiện muốn giúp người nên riết thành quen”, anh Phong trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.